Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định: “Đây là thời gian quan trọng. Khi chưa thể đón đầu và truy vết chính xác nguồn lây nên chúng ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo vệ lợi ích dài hạn”.
Từ 0h hôm nay (ngày 31-5), toàn địa bàn TP.HCM đã thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng.
Ngày 30-5, cuộc họp về COVID-19 của TP.HCM diễn ra trong bối cảnh TP.HCM có 379 ca nhiễm, trong đó có 177 ca trong cộng đồng. Chỉ riêng từ 23h ngày 29-5 và trong ngày 30-5, TP.HCM xét nghiệm nhanh và phát hiện 47 ca nghi nhiễm, trong đó đa số ca nhiễm có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng. 16/22 quận huyện của TP có liên quan đến các ca bệnh này.
Số ca nhiễm đáng báo động, phải chặn ngay
Cùng dự cuộc họp trên có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định hiện nay TP.HCM đã có hơn 13 ca/1 triệu dân, đây là tình trạng đáng báo động.
Sau ý kiến của ông Nên và Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong quyết định toàn TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 từ 0h ngày 31-5. Chỉ thị này quy định không được tập trung trên 10 người nhưng chủ tịch UBND TP chỉ đạo phải nâng cao một số biện pháp và quy định không được tập trung quá 5 người nơi công cộng cũng như ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các quy định về giãn cách từng khu vực theo chỉ thị 15 và chỉ thị 16 như hình đồ họa.
UBND TP cũng giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND quận Gò Vấp và UBND quận 12 có văn bản hướng dẫn cụ thể việc di chuyển từ các địa bàn khác qua hai địa bàn này. Lập chốt kiểm soát, có thông báo cụ thể trên phương tiện thông tin đại chúng về các tuyến đường bị cấm hoặc hạn chế phương tiện để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định.
Doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh. Chủ cơ sở ký cam kết về an toàn dịch bệnh, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Đồng thời, TP.HCM cũng hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cho đến khi có thông báo mới.
Ông Phong cũng chỉ đạo tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng. Vận hành tổ COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị để hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm của dịch bệnh. Ở các địa điểm, khu vực đang có dịch, có thể xem xét thành lập các tổ ứng phó khẩn cấp.
Tầm soát diện rộng truy tìm F0
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định: “Chúng ta đã bị thủng lưới từ một trường hợp phạm luật đặc biệt nghiêm trọng. Tình huống hết sức khó khăn, phức tạp buộc chúng ta phải có các biện pháp quyết liệt và có hiệu quả hơn”.
Đồng ý với giải pháp cách ly xã hội, ông Nên đề nghị tầm soát trên diện rộng, có trọng tâm trọng điểm. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải báo cáo thường xuyên, kịp thời kế hoạch kinh doanh an toàn theo bộ tiêu chí an toàn của lĩnh vực. Đồng thời, rà soát lại các đối tượng, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Cùng với vắc xin, cần đẩy mạnh các giải pháp “tại chỗ”, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn TP. Trước mắt lấy mẫu ở tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên Hội thánh truyền giáo Phục hưng cư ngụ và tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Mục tiêu phải lấy mẫu đơn khoảng 50.000 mẫu/ngày.
Các sở liên quan rà soát, nắm lại các khó khăn của doanh nghiệp du lịch, các cơ sở sản xuất nhỏ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Các ngành chức năng và địa phương liên quan xem xét và truy cứu trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh. Người dân có thông tin phản ánh về dịch COVID-19, nhất là những vi phạm về quy định phòng chống dịch gửi thông tin về cổng tổng đài 1022 của TP.
“Người dân TP cần tự giác tham gia khai báo y tế đầy đủ và chấp hành nghiêm các yêu cầu của chính quyền TP để cùng chung tay chống dịch. Người dân bình tĩnh, không hoang mang, không bình luận, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin chưa được cơ quan chức năng công bố liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để tránh hoang mang dư luận” – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắn gửi đến người dân.
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, từ thực tế của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, phải nghiêm túc rà soát lại hoạt động của các hội nhóm trên địa bàn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Ông Bình chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của TP và cả nước.
Khởi tố vụ án lây lan dịch bệnh truyền nhiễm
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng để tiến hành điều tra vụ án.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu cho biết việc xử lý chuỗi lây lan liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng, lây lan rộng tại TP và một số tỉnh thành, gây hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều người dân bức xúc. Trong quá trình khởi tố sẽ tiến hành điều tra phát hiện những cá nhân nào có đầy đủ hành vi vi phạm sẽ tiếp tục khởi tố bị can.
Theo ông Châu, cần phân định rõ khởi tố vụ án điều tra với những con người cụ thể có hành vi vi phạm pháp luật hình sự chứ không khởi tố với hội thánh hay nhóm đạo. Ông Châu đề nghị TP yêu cầu Ban Tôn giáo tuyên truyền vận động tôn giáo chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch và lên án những hành vi vi phạm để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Nguồn: tuoitre.vn