Chỉ số năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam từ 2011-2018 tăng bình quân 4,88%/năm, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng 5,77%/năm thuộc top cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, so sánh giá trị với các nước trong khu vực, NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp, chỉ cao hơn Campuchia.

Sáng 07.08.2019, tại Trung tâm hội nghị quốc tế, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia” với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đại biểu tham dự hội nghị gồm có lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, GS.TS Raymond Gordon, hiệu trưởng Trường đại học Anh Quốc Việt Nam…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng NSLĐ tại Việt Nam hiện nay, các khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tính cấp thiết của việc tăng NSLĐ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của cả quốc gia.

vi sao nang suat lao dong viet nam van dung “ap chot” khu vuc hinh anh 1

Ông Nguyễn Trí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị.

Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, NSLĐ xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động) tăng 6% so với năm 2017.Chỉ số NSLĐ xã hội của Việt Nam trong gần 10 năm qua có mức tăng trung bình 4,88/ năm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy mức tăng cao nhưng nếu đặt trên “bàn cân” với giá trị sức mua tương đương (PPP), thống kê năm 2018, NSLĐ nước ta đạt 11.142 USD chỉ bằng 7,3% NSLĐ của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân của thực trạng trên nằm ở việc quá trình dịch chuyển, cơ cấu lại nền kinh tế, lao động còn chậm và chưa hợp lý.

“Ví dụ như ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, nhưng lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội. Lực lượng lao động đông đảo nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu nhân công chất lượng cao, có tay nghề.

Khoa học, công nghệ sáng tạo ở nước ta năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế, xếp hạng các chỉ số so với các nước trên thế giới chỉ ở mức trung bình hoặc thấp. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp (DN) khu vực FDI có NSLĐ cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực DN trong nước, DN nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế.” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng tại hội nghị GS.TS Raymond Gordon, hiệu trưởng Trường đại học Anh Quốc Việt Nam cho biết, giải pháp cho việc tăng NSLĐ tại Việt Nam là áp dụng các mô hình kinh tế mới.

“Các mô hình kinh tế mới dựa trên hạ tầng internet và công nghệ số điển hình, có thể ví dụ như Kinh tế chia sẻ (sharing economy hoặc on-demand economy), các nền tảng số giúp kết nối cán cân cung cầu (matching platforms)…

Những mô hình mới sẽ tăng sự cạnh tranh, tạo áp lực lên các doanh nghiệp để họ luôn phải nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng NSLĐ để tránh bị đào thải, qua đó, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.”- GS.TS GS.TS Raymond Gordon thông tin.

Kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động “Phong trào năng suất lao động quốc gia” nhằm tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, sớm thành lập Ủy ban năng suất quốc gia.

Theo Dân việt

Từ khóa : Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”năng suất lao độngNăng suất lao động Việt NamTăng năng suất lao động

Các tin liên quan đến bài viết