Một năm sau cuộc chiến Ukraine, các nước Trung Đông vẫn giữ lập trường trung lập kín đáo đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine và Mỹ cũng không thể làm gì để thuyết phục các đồng minh tại khu vực nghiêng về phương Tây.

Vì sao Mỹ khó thuyết phục đồng minh Trung Đông chọn phe trong xung đột Nga-Ukraine? - Ảnh 1.

Khu vực dành cho các nhà sản xuất vũ khí Nga ở triển lãm quốc phòng tại UAE ngày 20-2 

Lợi ích

Rõ ràng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột một năm trước, các đối tác khu vực của Mỹ ở Trung Đông đã cho thấy sẽ không đứng về phía nào hoặc tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực của các nước lớn, và sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt hơn kể từ năm 2022.

Các quốc gia vùng Vịnh kiếm hàng chục tỉ USD từ việc tăng giá năng lượng do chiến tranh ở Ukraine. Tất cả 6 thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia, Oman, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar và Bahrain, lần đầu tiên ghi nhận thặng dư ngân sách sau 8 năm vào năm 2022.

Việc Saudi Arabia bắt tay với Nga trong liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng cho phép nước này kiểm soát tốt hơn giá dầu thô toàn cầu, bất chấp ý kiến của Mỹ.

Tại UAE, thị trường bất động sản ở Dubai bùng nổ khi người Nga đổ xô mua bất động sản và bắt đầu kinh doanh. Người Nga cũng trở thành nhóm người nước ngoài mua bất động sản hàng đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, theo dữ liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ.

“Cho đến nay, sau một năm Nga bị cô lập, họ (các quốc gia Trung Đông) thấy rất rõ rằng việc chọn phe sẽ không có lợi”, Đài CNN dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Cinzia Bianco tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu.

Hầu hết các quốc gia vùng Vịnh vẫn còn mơ hồ và “trân trọng sự mơ hồ chiến lược đó”, bà Bianco nói.

“Ở mức độ nào đó, Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục các đối tác khu vực đứng về phía mình”, nhà khoa học chính trị Kristian Ulrichsen, thuộc Viện Baker của Đại học Rice ở bang Texas (Mỹ), cho biết.

Mỹ mất kiên nhẫn

Vì sao Mỹ khó thuyết phục đồng minh Trung Đông chọn phe trong xung đột Nga-Ukraine? - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tại Jeddah vào tháng 7-2022

Tuy nhiên, Washington đang dần mất kiên nhẫn với các đồng minh khi tuyên bố rằng thời làm ăn với cả Nga và phương Tây đã qua. Chính quyền Biden đã và đang gia tăng áp lực buộc các đối tác Trung Đông phải lựa chọn giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo CNN, một phái đoàn của Bộ Tài chính Mỹ đã đến thăm cả 2 nước vào cuối tháng trước để cảnh báo không được giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt, đồng thời dọa chặn các nước này tiếp cận các thị trường G7.

Sau chuyến thăm, UAE cho biết họ đã thảo luận về các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố với đối tác Mỹ, và rằng “cả hai chính phủ đã chứng kiến những bước tiến đáng kể”.

Mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng mặc dù chính phủ nước này không tham gia vào “các lệnh trừng phạt đơn phương”, nhưng họ sẽ không cho phép các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu bị vi phạm thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới phân tích, các nước Trung Đông sẽ cẩn trọng quan sát phát ngôn và trừng phạt của Mỹ để căn chỉnh hành động.

“Cho đến nay, lập trường của UAE, Saudi Arabia và các nước khác là tìm kiếm một sự thỏa hiệp, tìm kiếm các nỗ lực hòa giải giữa hai nước để mang lại hòa bình”, ông Mohammed Baharoon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách công Dubai, nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : NgaTrung ĐôngUkraine

Các tin liên quan đến bài viết