Trong khi tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax được tiêm các liều 25mcg, 50mcg, 75mcg, liều tiêm thử nghiệm của vắc xin Covivac chỉ có hàm lượng 1mcg, 3mcg, 10mcg.
Sáng 20/1, chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac do IVAC sản xuất chính thức khởi động. Đây là vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” thứ hai được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vắc xin Nanocovax của Nanogen.
Giai đoạn 1 dự kiến sẽ chia tình nguyện viên thành từng nhóm, sử dụng các liều vắc xin 1mcg, 3mcg, 10mcg. Hàm lượng này thấp hơn nhiều lần so với vắc xin Nanocovax (25mcg, 50mcg, 75mcg).
Theo lý giải của TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, công nghệ để sản xuất vắc xin của Covivax và Nanocovax khác nhau, nguyên lý tạo miễn dịch khác nhau nên hàm lượng kháng nguyên cũng sẽ khác.
“Quan trọng nhất là an toàn và hiệu quả bảo vệ (tính sinh miễn dịch và bảo vệ cá nhân) của vắc xin. Không thể căn cứ vào hàm lượng để so sánh 2 loại vắc xin.
Các nhà sản xuất đã có minh chứng khoa học trên các mô hình nghiên cứu phát triển vắc xin, tính toán hàm lượng hợp lý. Ngoài ra, thử nghiệm lâm sàng là bước rất quan trọng giúp “dò liều”, đánh giá hàm lượng đó có phù hợp hay không” , ông Thái nhấn mạnh.
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viên Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) |
Đồng quan điểm trên, GS.TS Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, mỗi công nghệ sản xuất vắc xin có hàm lượng kháng nguyên khác nhau. Do Nanocovax có hàm lượng kháng nguyên cao hơn, hàm lượng của các liều tiêm thử nghiệm cũng sẽ cao hơn Covivac.
Ông Đức Anh nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy vắc xin Covivac có đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn ở các liều kháng nguyên khác nhau. Chất lượng vắc xin sử dụng cho đợt thử nghiệm lâm sàng này đã được kiểm định, cho kết quả tốt.
Về một số lo ngại vắc xin Covid-19 sẽ bị giảm hiệu quả bảo vệ trước các biến chủng mới của SARS-CoV-2, TS Dương Hữu Thái chia sẻ, việc virus biến chủng không ngừng cũng giống với nhiều bệnh dịch khác. Theo thời gian, các nhà khoa học sẽ có sự thay đổi về vắc xin để phù hợp với những biến đổi này.
Theo ông Thái, Covid-19 là dịch bệnh mới, dữ liệu còn nhiều hạn chế nên cần vừa sản xuất vắc xin, vừa chờ đợi thêm. Các nhà khoa học hiện cho rằng, biến đổi ở biến chủng mới của SARS-CoV-2 chưa làm ảnh hưởng tới kháng nguyên virus, nên vẫn có thể yên tâm về loại vắc xin này.
“Virus biến đổi liên tục, ta không thể chạy đua, cứ có thay đổi là thay đổi theo. Việc này cần được thảo luận và bàn bạc kỹ giữa các bên để đưa ra giải pháp. Trước đây, dưới sự biến chủng của virus cúm A/H5N1, chúng ta cũng có phương án mỗi bên sẽ sản xuất vắc xin đối phó với một chủng khác nhau, từ đó đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Nhiều năm làm về vắc xin, tôi có niềm tin, đây là vắc xin có tiềm năng trong tương lai”, TS Thái nhấn mạnh.
Vắc xin Covivac |
Covivac là vắc xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2, được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam
IVAC bắt đầu nghiên cứu vắc xin Covivac từ tháng 5/2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ trên chuột đất vàng Syria, chuột cống và chuột nhắt.
Trong nước, IVAC thử nghiệm tính an toàn và tính sinh miễn dịch trên thỏ và chuột ICR, đồng thời đánh giá sinh hóa huyết học tại Viện Pasteur Nha Trang và đánh giá giải phẫu bệnh tại Đại học Y dược Huế.
Kết quả cho thấy Covivac an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn để có thể thử nghiệm trên người.
Nguồn: vietnamnet