Gần 10 ca ngộ độc botulinum sau ăn chả lụa, ăn mắm ghi nhận tại TP.HCM, trước đó là hàng loạt ca bệnh ghi nhận tại Quảng Nam sau ăn cá ủ chua. Đây là loại ngộ độc khó chữa, chi phí điều trị cao.

Bệnh nhân điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh nhân điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM 

Mùa nóng nhiều người dân thường cho rằng nên ăn các loại tiết canh heo, gà, vịt để giải nhiệt hoặc lọc phổi, tuy nhiên, điều này là không nên vì tiết canh chứa nhiều vi khuẩn, giun sán nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều.
Bác sĩ Võ Văn Tân

Botulinum xuất phát từ món mặn hay món chay, hay mặn và chay đều có? Vì sao gần đây ghi nhận nhiều ca ngộ độc botulinum? Một lọ thuốc giải độc điều trị cho một bệnh nhân có giá tới 8.000 USD, chưa kể đây không phải thuốc sẵn có.

Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50 ca

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về phòng tránh ngộ độc thực phẩm – bệnh đường tiêu hóa do Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần dược Danapha tổ chức ngày 30-5, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – cho hay tại Mỹ mỗi năm ghi nhận khoảng 150 ca ngộ độc botulinum, còn Việt Nam ước tính tất cả các loại (botulinum ở trẻ nhũ nhi, ở người có vết thương hở, ngộ độc thực phẩm) thì khoảng 50 ca.

“Chúng ta mới chú ý đến trường hợp nhiễm độc tố botulinum do ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên thực tế có tới bốn trường hợp nhiễm độc tố botulinum đều cần phải chú ý: ăn uống trúng phải thực phẩm chứa sẵn độc tố botulinum trong thực phẩm, độc tố vào đường tiêu hóa sẽ được hấp thu vào cơ thể gây ngộ độc; nhiễm botulinum từ chính đường tiêu hóa của mình; nhiễm botulinum từ vết thương, do quá liều thuốc chữa bệnh hoặc qua đường hô hấp” – ông Nguyên cho biết.

Với trường hợp nhiễm botulinum từ thực phẩm, bác sĩ Nguyên cho biết thực phẩm nguy cơ là loại không được rửa sạch, tẩy sạch và không khử bào tử vi khuẩn, đồng thời để trong điều kiện thiếu không khí (bao gói đóng kín, để nhiều ngày và không có điều kiện ngăn vi khuẩn phát triển). Sau khi ăn thực phẩm nhiễm botulinum từ 4 giờ đến 8 ngày, một số trường hợp tới 14 ngày có dấu hiệu ngộ độc.

Với các trường hợp nhiễm độc tố từ chính đường tiêu hóa của mình, nguy cơ cao là trẻ em dưới 12 tháng, người bị cắt dạ dày hoặc bệnh dạ dày, nhưng trẻ dưới 12 tháng là hay gặp nhất, nguyên do vẫn là các cháu ăn uống thêm thực phẩm bị lẫn các bào tử vi khuẩn. Việc chẩn đoán dạng ngộ độc này rất khó khăn, bác sĩ Nguyên cho biết đã ghi nhận một ca nhiễm độc tố botulinum ở trẻ còn ở tuổi bú mẹ. “Sau này sẽ có cơ sở để phát hiện sớm hơn” – ông Nguyên nói.

“Trước những ca ngộ độc hay trẻ dưới 12 tháng tự nhiên khó thở, suy hô hấp, hay người bệnh có vết thương hở mãi không tỉnh… thì chưa chẩn đoán liên quan lý do này. Nay đã có nhiều kinh nghiệm điều trị hơn. Với nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm, nếu tuân thủ ăn chín, uống sôi là phòng ngừa được” – bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Túi hút chân không cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm

Bác sĩ Võ Văn Tân, trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, cho biết vào mùa hè trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc… phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó trời nắng sẽ khiến cho thức ăn dễ bị hư hỏng, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Một số loại vi khuẩn thường gặp vào mùa hè gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm như: botulinum, e.coli, salmonella, campylobacter, listeria…

Cụ thể nguy cơ thực phẩm bị ôi thiu hoặc phát sinh vi khuẩn gây bệnh chiếm rất cao ở những loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thịt, cá, hải sản… Ngoài ra ngộ độc còn có thể xảy ra nếu ăn các thức ăn chưa được nấu chín hoặc tái như: nem chua, rau sống, sushi…

“Vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau, đặc biệt là trong đất, cát, nước biển, ruột hải sản. Trong môi trường thiếu khí oxy hoặc hàm lượng khí oxy chúng sẽ phát triển và phát sinh độc tố botulinum. Vì vậy việc bảo quản thực phẩm bằng túi hút chân không vẫn có thể gây ngộ độc”, bác sĩ Tân nói.

Bác sĩ Võ Văn Tân cho hay khi bị ngộ độc, bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sốt, sụp mi, nuốt khó, nhìn đôi, yếu cơ tay, chân, cơ hô hấp tùy vào tác nhân ngộ độc. Những người ăn chung thường sẽ có biểu hiện tương tự. Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên, nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để tránh bị ngộ độc thực phẩm vào mùa hè, bác sĩ Tân khuyến cáo người dân khi lựa chọn thực phẩm cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình chế biến thực phẩm cần vệ sinh tay, chân sạch sẽ. Đồng thời nên ngâm thực phẩm trước khi chế biến với nước muối, thuốc tím với khoảng thời gian từ 20-30 phút nhằm loại bỏ thực phẩm có thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn và ký sinh trùng. Tốt nhất là nên rửa rau dưới vòi nước sau khi ngâm.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm trong sản xuất, bảo quản, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho cả cộng đồng.

Cẩn trọng thức ăn đường phố

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mùa hè, thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột…

Đây là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố. Hiện nay, kiến thức của người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : botulinumngộ độc

Các tin liên quan đến bài viết