Trong nhiều năm qua, hàng trăm xe điện bốn bánh chở khách du lịch ở Cửa Lò không được đăng kiểm theo quy định nhưng địa phương vẫn thu thuế chủ xe hằng năm.
Xe điện bốn bánh ở Cửa Lò phục vụ chở khách du lịch
Ngày 1-4, UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An đang giao cho các phòng ban chuyên môn, các phường xã phối hợp cùng người dân tổ chức rà soát hồ sơ các xe điện bốn bánh chở khách du lịch để làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm.
Hàng trăm xe điện không được đăng kiểm
Đây là hoạt động nhằm đảm bảo phương tiện hoạt động đúng quy định trước hạn chót ngày 20-4 theo phương án quản lý xe điện của thị xã Cửa Lò.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong suốt thời gian qua, hàng trăm xe điện chở khách du lịch ở thị xã Cửa Lò không được đăng kiểm theo quy định, hướng dẫn từ các thông tư của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an.
Theo UBND thị xã Cửa Lò, từ năm 2011 đến 2015, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, thị xã Cửa Lò đã trình UBND tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thí điểm quản lý hoạt động xe điện bốn bánh.
Sau thời gian thí điểm, từ năm 2016 đến nay UBND thị xã xin chủ trương và được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép xây dựng quy chế quản lý xe điện từng năm một với số lượng xe hoạt động là 558 xe.
Vào năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư 86 quy định về điều kiện với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Theo thông tư này, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ (xe điện) tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận lưu hành xe trường hợp kiểm tra lần đầu là 18 tháng, các lần tiếp theo là 12 tháng.
Dù đã có thông tư từ 9 năm trước nhưng nhiều năm qua, hàng trăm xe điện chở khách du lịch ở thị xã Cửa Lò không được đăng kiểm. Hằng năm, các chủ kinh doanh xe điện ở Cửa Lò đóng thuế khoảng 3 triệu đồng/xe.
Một số xe điện chở khách chưa đạt yêu cầu được đăng kiểm
Ông Phan Văn Lâm – phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN – cho biết xe điện bốn bánh hoạt động trên một số tuyến đường tại thị xã Cửa Lò do UBND tỉnh Nghệ An quyết định.
Xe điện không có đăng ký, đăng kiểm theo thông tư 86 năm 2014 mà vẫn hoạt động thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng địa phương.
“Việc địa phương cho xe điện hoạt động khi chưa đủ điều kiện nhưng đến nay đột ngột siết chặt trước mùa du lịch mà không có hướng giải quyết có thể ảnh hưởng đến người dân làm dịch vụ xe điện”, ông Lâm nói.
UBND phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò tổ chức cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về quản lý xe điện
Ngày 6-3, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 37-03D có công văn phúc đáp UBND thị xã Cửa Lò về việc hướng dẫn đăng kiểm xe điện bốn bánh có gắn động cơ, trong đó có yêu cầu một số giấy tờ như: giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bản sao chụp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
Đại diện trung tâm đăng kiểm xe cơ giới này cho hay từ trước tới nay đơn vị chưa thực hiện đăng kiểm cho một xe điện bốn bánh nào ở Cửa Lò. Vừa qua, Phòng quản lý đô thị thị xã Cửa Lò chọn bảy xe điện được cho là “tốt nhất” tới đăng kiểm nhưng cũng không có xe nào đạt yêu cầu.
Trong số 558 xe điện, có 171 xe có đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ có thể đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, phần lớn xe điện ở Cửa Lò đã hoạt động nhiều năm, không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật đăng kiểm như hệ thống phanh, đèn…
Một lãnh đạo UBND phường Nghi Thủy cho biết sau cuộc đối thoại của Bí thư Thị ủy thị xã Cửa Lò Phạm Thị Hồng Toan, trong hôm nay phường đã họp để gấp rút cùng các hộ kinh doanh xe điện đưa xe đi đăng kiểm, thành lập 6 chi hội xe điện, khảo sát nhu cầu vay vốn, giá xe điện.
Nguồn: tuoitre.vn