Hẳn đã có lúc bạn kinh ngạc khi thấy Facebook đề nghị bạn kết nối (add friend) với “những người bạn có thể quen” (People You May Know – PYMK) chính xác đến “đáng sợ”.
Facebook là kẻ “biết tuốt”?
Theo trang Gizmodo, thực tế đã ghi nhận những tình huống tréo ngoe liên quan tới danh sách gợi ý kết bạn, còn gọi là “những người bạn có thể quen” (PYMK).
Một tình huống như thế đã xảy ra với người đàn ông từng bí mật hiến tinh trùng nhiều năm trước cho một cặp vợ chồng và họ đã có con.
Không ai biết chuyện đó, chỉ riêng Facebook “biết”, và nó đã gợi ý người đàn ông này kết bạn với đứa trẻ được sinh từ tinh trùng hiến tặng của ông. Trong khi đó, mặc dù có biết cặp vợ chồng bố mẹ, nhưng người đàn ông này không kết bạn với họ trên Facebook.
Hay như tình huống xảy ra với một nhân viên công tác xã hội. Chỉ trong chuyến thăm lần thứ 2, khách hàng đã gọi chị bằng biệt danh (nickname) vì chị đã xuất hiện trong danh sách PYMK của họ, bất kể là hai người chưa từng trao đổi thông tin liên lạc.
Lại nữa, một phụ nữ có người cha bỏ gia đình đi khi cô mới 6 tuổi. 40 năm sau, Facebook đề xuất tài khoản người phụ nữ từng phá tan hạnh phúc gia đình cô năm xưa trong danh sách PYMK.
Một luật sư viết: “Tôi đã xóa bỏ tài khoản Facebook sau khi trong danh sách PYMK của tôi xuất hiện người đàn ông từng là luật sư bào chữa trong một vụ việc của tôi. Chúng tôi mới chỉ liên lạc qua email công việc của tôi, mà tài khoản đó không liên quan gì tới Facebook, điều này khiến tôi tin rằng Facebook đã rà quét qua cả email công việc của tôi”.
Những tình huống như vậy dường như không thể lý giải nếu bạn mặc định rằng Facebook chỉ biết những gì bạn tự cung cấp cho mạng xã hội này.
Tuy nhiên nó sẽ bớt bí ẩn đi nhiều nếu bạn hiểu rõ về những dạng thức hồ sơ khác mà Facebook lưu trữ về bạn, những cái mà bạn không thể kiểm soát.
Một “hồ sơ chìm”
Ngoài hồ sơ thông tin cá nhân “chính thống” là cái bạn tự xây dựng cho mình, còn một “hồ sơ chìm” khác, được tạo lập từ các thông tin gửi trong hộp thư (Inbox), smartphone của những người dùng Facebook khác.
Những thông tin liên lạc bạn chưa bao giờ cung cấp cho mạng xã hội nhưng có liên quan tới tài khoản của bạn sẽ giúp Facebook hoàn toàn dễ dàng trong việc sơ đồ hóa các mối quan hệ xã hội của bạn.
Hồ sơ chìm trong nhiều năm qua đã được biết tới như là một tính năng của Facebook. Tuy nhiên hầu hết người dùng vẫn không hay biết về phạm vi tiếp cận cũng như quyền lực của nó.
Vì các kết nối hồ sơ chìm chỉ xảy ra trong hộp đen thuật toán của Facebook, mọi người không thể biết mức độ khai thác dữ liệu đó sâu sắc tới mức nào, cho tới khi một gợi ý kết bạn có thể khiến họ “té ngửa” xuất hiện.
Facebook đã không rà quét email công việc của vị luật sư nói trên. Tuy nhiên chắc chắn nó có lưu địa chỉ email công việc của cô này trong hồ sơ chìm, ngay cả khi cô không cung cấp nó.
Nếu bất cứ ai có địa chỉ email của người luật sư này trong danh sách liên lạc của họ, và người đó đã chia sẻ thông tin này với Facebook, mạng xã hội này sẽ kết nối cô luật sư đó với bất cứ ai khác có địa chỉ email của cô. Và đây là tình huống đã xảy ra với trường hợp người luật sư bào chữa.
Facebook sẽ không xác nhận việc công ty này đã tạo ra các kết nối PYMK cụ thể như thế nào. Một phát ngôn viên của công ty này cho rằng, có những cách giải thích thuyết phục hơn trong hầu hết các trường hợp.
Theo đó, PYMK có thể được tạo ra từ những “quan hệ bạn bè chung” với những người khác, hoặc những người “ở cùng thành phố/mạng lưới”.
Hợp thức hóa “hồ sơ chìm”
Yêu cầu “giao nộp” danh sách liên lạc bạn bè là một trong những bước đầu tiên Facebook đặt ra với mọi người khi họ bắt đầu đăng ký tài khoản tham gia mạng xã hội này. Lý do của yêu cầu là Facebook có thể giúp họ “tìm bạn” (Find Friends).
Lựa chọn Find Friends trên máy tính để bàn khá đơn giản. Nhưng lựa chọn này trên ứng dụng Facebook dành cho smartphone có tính chào mời hấp dẫn hơn với hình ảnh những bông hoa và thông điệp: “Xem ai đang dùng Facebook bằng cách liên tục tải lên các liên lạc của bạn” (“See who’s on Facebook by continuously uploading your contacts”).
Bên dưới nút Bắt đầu (Get Started), trang hướng dẫn nói rằng “Các thông tin về những liên lạc của bạn… sẽ được gửi tới Facebook để giúp bạn và những người khác tìm kiếm bạn bè nhanh hơn”.
Thông tin này khá mơ hồ, và ngay cả khi nhấn vào phần “Learn more”, mục đích của nó vẫn không thật sự rõ ràng: “Khi bạn chọn tìm kiếm bạn bè trên Facebook, chúng tôi sẽ sử dụng và lưu trữ bí mật thông tin về các mối liên lạc của bạn, bao gồm những thông tin như tên, biệt danh, ảnh, số điện thoại và các thông tin liên quan khác bạn có thể bổ sung như quan hệ hay nghề nghiệp, cũng như dữ liệu về những mối quan hệ này trên điện thoại của bạn. Điều này giúp Facebook đưa ra những đề xuất cho bạn và những người khác, giúp chúng tôi cung cấp một dịch vụ tốt hơn”.
Và để hợp thức hóa điều này, Facebook cũng gửi kèm theo khuyến nghị người dùng nên gửi yêu cầu kết bạn với những người có thể họ biết đó để tránh sự “đường đột”.
Lẽ dĩ nhiên khi phát đi cảnh báo này, Facebook đương nhiên hiểu rằng những người trong danh sách địa chỉ liên lạc của bạn không hẳn đã muốn kết bạn với bạn.
Tuy nhiên nếu bạn đồng ý chia sẻ danh sách liên lạc của mình, mọi dữ liệu liên lạc bạn có sẽ “về tay” Facebook, và mạng này sẽ dùng nó để tìm kiếm các mối liên hệ giữa mọi người bạn biết, đương nhiên bạn không thể rõ chuyện đó xảy ra như thế nào.
Nguồn: tuoitre.vn