Người dân California (Mỹ) một phen hốt hoảng hôm 12-2 (giờ địa phương) sau khi chính quyền cảnh báo con đập cao nhất nước Mỹ Oroville có thể vỡ bất cứ lúc nào. 
Vì sao California sơ tán khẩn cấp 200.000 dân?
Đập tràn phụ của đập Oroville bị hư hại với phần sườn đồi bị sạt lở

Gần 200.000 người được yêu cầu sơ tán. Tình hình diễn tiến vô cùng nhanh chóng. Theo chính quyền California, các cơ quan chức năng của bang phát hiện một lỗ nhỏ đang lan rộng trên con đập tràn khẩn cấp của đập Oroville, lối thoát nước được sử dụng sau khi đập tràn chính bị hư hại vào tuần trước, vào 15h ngày 12-2 (6h sáng 13-2 giờ Việt Nam). Khoảng 16h30, Cơ quan tài nguyên nước California (CDWR) cảnh báo đập nước có nguy cơ vỡ.

Sơ tán khẩn cấp
Reuters đưa tin gần 200.000 người sinh sống ở khu vực phía nam con đập đã được yêu cầu sơ tán, bao gồm các khu vực như Oroville, hạt Yuba, hạt Butte, Marysville và nhiều khu vực lân cận. “Đã phát lệnh ngay lập tức sơ tán khu vực thấp của Oroville và các khu vực hạ nguồn” – cảnh sát trưởng hạt Butte thông báo trên mạng xã hội, không quên nhắc lại nhiều lần rằng “đây không phải là cuộc diễn tập”. Thông tin sơ tán được truyền tải trên khắp các mạng xã hội. Trên truyền thông địa phương, các con đường cao tốc tắc nghẽn bởi dòng người rồng rắn nối đuôi nhau đi sơ tán, trong đó nhiều người vẫn bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người dân được khuyến cáo tránh di tản lên miền bắc về hướng con đập. “Cảnh sát đến và yêu cầu chúng tôi sơ tán – cô Kaysi Levias nói trên đường đi sơ tán – Chúng tôi chưa từng trải qua điều này trước đây”. “Thật đáng sợ vì tình hình tiến triển quá nhanh. Tôi và vợ cố ném tất cả mọi thứ có thể vào túi” – anh Sean Dennis nói với CNN. Trong khi đó, anh Javier Santiago cho biết gia đình anh và một số người bạn phải qua đêm trong xe hơi do tất cả khách sạn đều đã kín phòng. Hiện tại, nhiều trung tâm sơ tán đã được dựng lên ở các bãi đất trống ở Chico, nằm cách Oroville 32km về phía tây bắc. Giải thích về việc phải ban hành lệnh sơ tán, chỉ huy cơ quan cứu hỏa California Kevin Lawson cho biết việc đập tràn bị sạt lở vô cùng nguy hiểm bởi “khi đất bắt đầu bị lở, đất và mọi thứ khác sẽ lăn xuống đồi. Nó sẽ bắt đầu sụp và nếu không được giải quyết hợp lý, chúng ta có thể đối mặt với bức tường nước cao gần 10m”.

Vì sao California sơ tán khẩn cấp 200.000 dân?
Đập tràn phụ của đập Oroville bị hư hại với phần sườn đồi bị sạt lở 

Vẫn còn khả năng 
cứu vãn

AP ngày 13-2 dẫn lời một quan chức Vệ binh quốc gia California cho biết lực lượng này sẽ hỗ trợ tám trực thăng để hỗ trợ việc gia cố khẩn cấp đập tràn của con đập Oroville. Phát biểu tại cuộc họp báo cuối ngày 12-2, giờ Mỹ, sĩ quan hành chính David S. Baldwin cho biết tám trực thăng này cùng với hai máy bay có thể tham gia các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ xung quanh con đập. Ngoài ra, lực lượng Vệ binh quốc gia cũng đã thông báo cho tất cả 23.000 binh sĩ và phi công sẵn sàng ra quân nếu cần thiết. Đây là lần đầu tiên cảnh báo được phát đến toàn bộ lực lượng Vệ binh quốc gia California kể từ năm 1992. Trong khi đó, thống đốc Jerry Brown của California cũng ban bố lệnh khẩn cấp để thúc đẩy các cơ quan chức năng phản ứng trước tình trạng nguy cấp ở đập Oroville và hỗ trợ việc di tản. Ông Brown cho biết bang California đang huy động mọi nguồn lực và nhân lực cần thiết để đối phó với tình trạng “phức tạp và chuyển biến nhanh chóng” này. Theo văn phòng của thống đốc, Văn phòng dịch vụ khẩn cấp bang California cũng đang phối hợp với các cơ quan khẩn cấp liên bang và địa phương. Tuy nhiên theo CDWR, vẫn còn khả năng cứu vãn bởi tình trạng sạt lở không nhanh như họ tưởng. Sau khi các trực thăng thả đá lên phần trên của chỗ xói mòn, chỗ rò rỉ sau đó đã thu nhỏ hơn so với lúc ban hành lệnh sơ tán và các chuyên gia dự kiến tiến hành lấp hoàn toàn chỗ vết rò rỉ. Cùng lúc, chính quyền cũng đang cho xả bớt nước từ con đập. Dù vậy, các quan chức địa phương cảnh báo tình hình vẫn còn khó dự đoán. “Một khi một cấu trúc như thế này bị hư hại thì thật là thảm họa” – quyền giám đốc CDWR Bill Croyle cho biết.

Đập cao nhất nước Mỹ: Đập Oroville nằm ở thượng nguồn phía đông thành phố Oroville. Con đập cao 230m, được xây dựng từ năm 1962-1968, là con đập cao nhất tại Mỹ và cao hơn con đập nổi tiếng Hoover khoảng 12m. Ngoài chức năng kiểm soát lũ lụt, đập cũng cung cấp nước uống và tạo thủy điện. Theo CDWR, đập nằm ở nơi các nhánh sông bắc, trung, nam và các nhánh tây của sông Feather đổ về. Mùa đông năm nay, một lượng mưa lớn trút xuống miền bắc California khiến hồ Oroville đầy tràn và gây áp lực lên các đập tràn thoát nước của đập. Theo CNN, rặng núi Sierra Nevada ở miền bắc California cung cấp nước cho hồ cũng đang trải qua một trong những mùa mưa ẩm ướt nhất từ trước đến nay. Dự báo mưa sẽ tiếp tục rơi tại khu vực từ giữa tuần này. Trước đó, hôm 10-2, các cơ quan chức năng địa phương đã cho xả bớt nước sau khi nhiều mảng bêtông từ đập tràn được phát hiện dưới kênh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bangCaliforniacảnh sátđập Orovilleđịa phươngMỹngười dânsạt lởsơ tán

Các tin liên quan đến bài viết