Tại World Cup năm nay, người xem đã không ít lần bất ngờ vì các trận đấu được cộng thêm nhiều phút hơn so với bình thường.
Điển hình nhất là ở trận đấu giữa Anh gặp Iran vào tối 21-11. Với tổng thời gian bù giờ lên đến 27 phút, trận đấu này lập kỷ lục trận đấu có thời gian bù giờ nhiều nhất World Cup.
Đầu tiên, hiệp 1 có số phút bù giờ nhiều như vậy có nguyên nhân từ chấn thương của thủ thành tuyển Iran Alireza Beiranvand. Ngay phút thứ 8, anh đã đổ máu trong nỗ lực cứu thua và va chạm với đồng đội. Quãng thời gian Beiranvand nằm sân để các nhân viên y tế chăm sóc là tương đối nhiều. Đến phút 19, anh phải rời sân nhường chỗ cho Hosseini.
Việc có 14 phút bù giờ khiến hiệp 1 trận Anh gặp Iran lập kỷ lục là hiệp đấu có thời gian bù giờ dài nhất lịch sử World Cup.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, khi sang hiệp 2, dù không có nhiều tình huống bóng chết như hiệp 1 nhưng các trọng tài vẫn quyết định thời gian bù giờ là 10 phút.
Thực tế, thời gian bù giờ của hiệp này lên đến 13 phút vì trọng tài Raphael Claus phải xem VAR và quyết định cho Iran hưởng phạt đền.
Từ đó, nâng tổng thời gian bù giờ của cả trận lên 27 phút và làm cho tổng thời gian của trận đấu lên đến con số 117 phút. Con số này gần bằng một trận đấu có hiệp phụ không tính thời gian bù giờ (120 phút).
Ngoài trận Anh và Iran, hiệp 2 trận đấu giữa Mỹ và Xứ Wales cũng có thời gian bù giờ lên đến 9 phút. Trong khi đó, trận đấu giữa Hà Lan và Senegal kết thúc vào phút 90+10.
Trận khai mạc giữa chủ nhà Qatar gặp Ecuador cũng được bù 5 phút mỗi hiệp. Rõ ràng, số phút bù giờ ở World Cup 2022 đang nhiều hơn so với những gì người hâm mộ thường thấy.
Vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA, ông Pierluigi Collina, có nói: “Tại World Cup 2018, chúng tôi đã tính toán chính xác hơn thời gian bù giờ. Chúng tôi đã nói với mọi người đừng bất ngờ nếu trọng tài thứ 4 giơ bảng điện tử với số phút bù giờ ‘khổng lồ’ như 6, 7 hay 8 phút.
Hãy nghĩ về trận đấu có 3 bàn thắng. Mỗi lần ăn mừng có thể kéo dài 1 tới 1 phút rưỡi. 3 bàn tương đương với 5 hoặc 6 phút ăn mừng. Những gì chúng tôi muốn làm là tính toán chính xác thời gian cộng thêm vào cuối mỗi hiệp. Chúng tôi đã thành công tại World Cup 2018 và muốn chứng kiến điều tương tự tại World Cup năm nay”.
Những phát biểu này của ông Collina phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao World Cup 2022 được bù thêm nhiều thời gian.
Tuy nhiên, cách làm này cũng có những mặt hại trước mắt, đặc biệt là về thể lực của cầu thủ. Dễ dàng nhận thấy các cầu thủ của cả tuyển Mỹ và Xứ Wales đều tỏ ra mệt mỏi, thường hay nằm sân trong những phút bù giờ cuối trận.
Nguồn: tuoitre.vn