Trong khi hoạt động ăn mừng chiến thắng của ông Joe Biden diễn ra rầm rộ, thì không khí ảm đạm chưa từng thấy đang phủ bóng lên những tổ chức thăm dò trên toàn nước Mỹ.

Dù vẫn chỉ đúng tên người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, song điều này cũng chẳng thể cứu vãn một thực tế rằng, hầu hết những cuộc thăm dò, khảo sát đã “trật lất” trong việc dự đoán kết quả ở những bang chiến địa, cũng như sự thất thế của đảng Dân chủ trong cuộc đua tại lưỡng viện Mỹ.

Vì sao các cuộc thăm dò trước bầu cử Mỹ 'mất linh nghiệm'?
Các tổ chức thăm dò một lần nữa lại “việt vị” trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Và trên hết, những tổ chức tổ chức thăm dò cũng không lường trước được một thực tế rằng, hàng triệu người dân Mỹ vẫn sẵn sàng bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump cùng những giá trị ông đang đại diện.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự suy giảm uy tín của các cuộc thăm dò không khác gì sự “sụp đổ” của một thứ gì đó rất linh nghiệm. Ký giả David Graham của tạp chí Atlantic đã viết: “Điều nghiêm trọng ở đây, là sự sai lệch của các cuộc thăm dò khiến người Mỹ không còn thứ gì đáng tin cậy để hiểu rằng chúng ta, với tư cách người dân, nghĩ gì về các cuộc bầu cử”.

Còn trong một bài viết trên The Guardian, ký giả John Harris cho rằng, nếu một quốc gia đã đánh mất khả năng tự hiểu bản thân mình đến mức những bộ óc tốt nhất của nó phải phụ thuộc vào những cuộc thăm dò đơn thuần, thì rõ ràng quốc gia này “có vấn đề”.

Điều này tạo nên cảm giác rằng, giữa các chính trị gia chính thống và giới truyền thông có một điểm chung, đó là họ biết quá ít về cuộc sống từ người dân của mình.

Theo John Harris, những mô hình khảo sát chính trị hiện đại dù đã ra đời từ những năm 1930, song chúng từ lâu đã bị các chính trị gia sử dụng để đoán định và thao túng cử tri của mình, dựa trên các thông điệp được chọn lọc một cách cẩn thận.

Đến thế kỷ 21, sức mạnh của công nghệ giúp các mô hình thăm dò trở nên đa dạng và tinh vi hơn. Những báo cáo chính trị thường dựa trên các dữ liệu có được từ chúng, kết hợp với một lượng lớn thông tin khác, để đưa ra những dự đoán được xem là rất chi tiết.

Bất chấp nhiều sơ suất và sai lầm, như trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh hay bầu cử tổng thống tại Mỹ năm 2016… những mô hình này vẫn đóng vai trò trọng tâm đối với những thăm dò, khảo sát chính trị ở thời điểm hiện tại. Chúng cung cấp cho mọi người sự chắc chắn giả tạo, giảm bớt thời gian tiếp xúc công chúng của giới cầm quyền, đồng thời cung cấp cho các kênh tin tức cùng các nền tảng mạng xã hội “thứ gì đó” để tận hưởng.

Minh chứng cho những sai sót của mô hình thăm dò hiện nay có thể kể đến YouGov, tổ chức từng dự đoán ông Biden sẽ thắng tại Florida với 4,3 điểm, Texas với 0,3 điểm, Pennsylvania và Wisconsin với 6,8 điểm. Song trên thực tế, ông Trump thắng tại Florida và Texas với cách biệt lớn, và chỉ xếp sau ông Biden ở 2 bang còn lại với cách biệt sít sao.

Điều này cho thấy, ngay cả khi những con số thăm dò có đúng một nửa đi chăng nữa, chúng không thể thực sự phản ánh những điểm chính của cuộc bầu cử này: Sự phân cực ngày càng sâu sắc về đảng phái giữa các địa hạt trong cùng một tiểu bang; số lượng đông đảo cử tri gốc Mỹ Latin ủng hộ Trump; những thay đổi xã hội và chính trị đang diễn ra tại các bang chiến địa như Arizona và Georgia.

Ký giả John Harris cho rằng, có những yếu tố rất phức tạp, đôi khi mâu thuẫn với nhau, mới thực sự quyết định lựa chọn của một cử tri, như cách họ nhìn nhận bản thân và cuộc sống hiện tại, gia đình, nơi ở và nơi làm việc, những định kiến mà họ gặp phải, ứng cử viên mà họ nhìn thấy bản thân nhiều nhất trong đó…

Sự thống trị của những cuộc thăm dò đã làm lu mờ tất cả những yếu tố này, và khiến con người trở nên xa cách nhau hơn bao giờ hết.

Vì thế, một hình mẫu thăm dò trong kỷ nguyên mới cần phải bắt đầu từ việc bớt số liệu đi và thêm nhiều “tính người” hơn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bầu cử Mỹmất linh nghiệmtổng thống

Các tin liên quan đến bài viết