Hấp dẫn bởi những dự án “vàng”, CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi được nhắc đến với sự tham gia của hai đại gia tài chính – địa ốc tên tuổi trên thị trường đó là “bầu” Hiển và Chủ tich BGR Nguyễn Thị Nga. Cũng chính bởi sự hấp dẫn ấy, mà 2 đại gia này đã có cú “va nhau” tại ĐHĐCĐ CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi khi các cổ đông chưa tìm được tiếng nói chung.
CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi “sân chơi chung” của hai đại gia tài chính – địa ốc
Ngày 15/8 vừa qua, CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi (Mã CK: T12) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019. Khác với đại đa số doanh nghiệp niêm yết khác trên sàn ĐHĐCĐ của Tràng Thi được tổ chức muộn hơn bởi đây đã là lần triệu tập thứ 2.
Trong lần triệu tập họp lần thứ nhất vào ngày 30/7/2019, ĐHCĐ năm 2019 của Dịch vụ Tràng Thi đã không thể tiến hành khi chỉ có vỏn vẹn 6 cổ đông, tương ứng với 14,83% cổ phần có quyền biểu quyết, tham dự.
Hấp dẫn đại gia nhờ đất vàng?
Dịch vụ Tràng Thi tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, chuyên bán buôn, bán lẻ các hàng hóa tiêu dùng; mua bán, cho thuê nhà dự án. Năm 2015, công ty đã được tiến hành cổ phần hóa, với số vốn điều lệ là 135 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, cơ cấu cổ đông của Dịch vụ Tràng Thi bao gồm: Nhà nước (51%); nhà đầu tư chiến lược (20%); người lao động (5,95%) và bán đấu giá công khai (23,05% vốn điều lệ).
Trong đó, số cổ phần nhà nước do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đại diện nắm giữ, còn nhà đầu tư chiến lược được nhắm tới là CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim. Hapro hiện đang được nắm giữ bởi phần lớn các cổ động liên quan đến Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch. Hiện nữ doanh nhân này cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Hapro.
Tuy nhiên, theo danh sách cổ đông chốt ngày 10/3/2017, ngay trước thời điểm Dịch vụ Tràng Thi niêm yết trên sàn chứng khoán, đơn vị sở hữu số cổ phần tương đương với 20% vốn điều lệ do CTCP Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) của ông Đỗ Quang Hiển (“bầu” Hiển) sở hữu.
Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của công ty còn xuất hiện thêm 2 cổ đông cá nhân là ông Lê Anh Dũng và ông Nguyễn Phú Quân với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 18,22% và 8,23% vốn điều lệ. Ông Dũng được biết đến là Thành viên HĐQT của Tổng Công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco), cựu thành viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà nhóm Bầu Hiển đã đầu tư vào năm 2015. Còn ông Nguyễn Phú Quân là Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của CTCP Bệnh viện Giao thông Vận tải và Phó Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự của Tập đoàn T&T.
Tại sao Dịch vụ Tràng Thi lại có sức hấp dẫn lớn với 2 đại gia tài chính là Bầu Hiển và bà Nguyễn Thị Nga như vậy? Tại thời điểm tháng 3/2019, báo cáo của Dịch vụ Tràng Thi cho biết, công ty đang quản lý rất nhiều mặt bằng tại trung tâm Hà Nội hiện đang được cho thuê để kinh doanh siêu thị, cửa hàng chuyên doanh và văn phòng cho thuê. Một yếu tố khác, có phần kém quan trọng hơn, là kết quả kinh doanh khả quan của Dịch vụ Tràng Thi – điều hiếm thấy tại các doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm đó.
Dự án “vàng” 47 Cát Linh của T12. (Ảnh: Internet)
Một số khu đất đáng chú ý tại khu vực trung tâm có thể kể đến 10B Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm đang hợp tác kinh doanh với Nguyễn Kim làm siêu thị điện máy; số 12-14 Tràng Thi đang làm trụ sở công ty và cho thuê…
Công ty hiện có kế hoạch đầu tư Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ Cát Linh – Tràng Thi tại 47 Cát Linh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 620 tỷ đồng bao gồm 21 tầng nổi và 3 tầng hầm. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2020 và hoàn thành sau 2 năm.
Cũng tại địa chỉ 47 Cát Linh, Tràng Thi đã hoàn thiện tòa nhà thương mại dịch vụ có tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Quay trở lại với ĐHĐCĐ thường niên lần 2 của CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi. Theo tài liệu công bố, biên bản phiên họp ĐHĐCĐ của Dịch vụ Tràng Thi, ĐHĐCĐ của Tràng Thi đã thông qua toàn bộ nội dung của đại hội trong vòng 1 ngày làm việc.
Điểm nóng trong ĐHĐCĐ lần này liên quan đến việc CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi nhận được văn bản kiến nghị của cổ đông Hapro về nội dung sửa đổi Điều lệ Công ty với nội dung Công ty có một người đại diện theo pháp luật. Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của Công ty và đề nghị đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua.
Bầu Hiển và bà Nguyễn Thị Nga đang không tìm được tiếng nói chung?
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Vân Anh yêu cầu công ty xuất trình bản gốc văn bản kiến nghị của cổ đông Hapro như đã đề cập ở trên để các cổ đông được biết vì hiện nay việc này không được cập nhật trên web của công ty và không có trong bộ tại liệu đại hội phát cho cổ đông. “Việc này không đảm bảo sự công khai, minh bạch”, vị này phát biểu.
Cũng theo người đại diện của cổ đông Tập đoàn T&T, với tỷ lệ sở hữu 53,33% của cổ đông Hapro, quyền lợi của các cổ đông còn lại sẽ bị bất lợi khi tỷ lệ thông qua các nghị quyết của ĐHĐCĐ đa số là 51%, các cổ đông khác sẽ không có quyền biều quyết.
Cũng phải nói thêm rằng, số lượng thành viên HĐQT là 5 người, trong đó Hapro chiếm 3/5 thành viên và các quyết định của HĐQT được thông qua khi có 3/5 thành viên tán thành.
Trong khi đó, bà Trần Thị Nguyệt – người đại diện cho 2 triệu cổ phần của Hapro – cho rằng việc các cổ đông khác không có quyền biểu quyết là không đúng. Tất cả các cổ đông của công ty đều có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Tuy nhiên, đại diện cổ đông lớn không đồng ý việc Công ty có 2 người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Công ty.
Đây chỉ là một trong số những vấn đề trong Đại hội cổ đông thường niên lần 2 của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi đã không tìm được tiếng nói chung giữa 2 nhóm cổ đông.
Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận bản dự thảo điều lệ công ty sửa đổi sau vẫn được thông qua với 53,49% cổ phần tán thành. Điều này thể hiện vai trò cổ đông nắm quyền chi phối của Hapro tại Dịch vụ Tràng Thi so với phần còn lại. Nhóm T&T dù luôn phản đối, nhưng tỷ lệ sở hữu hơn 46% của họ là không đủ.
Về hoạt động kinh doanh, ĐHĐCĐ của Dịch vụ Tràng Thi cũng đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 với tổng doanh thu dự kiến đạt 325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11,1 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 3%.
Nửa đầu năm 2019, Dịch vụ Tràng Thi ghi nhận 242 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 86% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dịch vụ Tràng Thi giảm 8,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% so với nửa đầu năm 2018.
Lợi nhuận gộp vì thể giảm tới 18% trong khi tổng chi phí phát sinh của công ty vẫn tăng, chủ yếu là tăng chi phí bán hàng của Trung tâm TMDV 10B Tràng Thi. Đồng thời, Dịch vụ Tràng Thi cũng có một số địa điểm kinh doanh chưa hiệu quả hoặc chưa đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch.
Theo Dân việt