Chuyên gia nhận định, không loại trừ khả năng 6 nhân viên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19 đã lâu và hiện đã khỏi.
Chỉ trong 2 ngày qua, TP. HCM đã ghi nhận hơn 30 ca mắc Covid-19, bao gồm nhân viên công ty phục vụ mặt đất và người nhà. Đáng lưu ý, có 6 trường hợp là nhân viên có xét nghiệm âm tính nhưng người nhà lại dương tính.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế nhận định, ổ dịch tại TP. HCM rất phức tạp, chưa thể đánh giá được nguy cơ sắp tới do đây là thành phố đông dân nhất nước, lưu lượng đi lại rất lớn, dịch xảy ra tại sân bay, chưa tìm ra nguồn lây.
Những ca bệnh mới phát hiện ở khu dân cư đều lần theo các trường hợp F1, F2 của ổ dịch tại sân bay. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa thể khẳng định các trường hợp dương tính tại sân bay bắt nguồn từ bệnh nhân 1979 (ca bệnh đầu tiên phát hiện mắc Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất).
PGS.TS Trần Đắc Phu
Liên quan đến 6 trường hợp nhân viên của công ty phục vụ mặt đất âm tính nhưng người nhà dương tính, PGS Phu cho rằng có 2 khả năng.
Thứ nhất: Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ lâu, 6 nhân viên nói trên đã mắc thời gian dài, do không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ nên không phát hiện ra, sau đó bệnh nhân đã khỏi nên xét nghiệm PCR-RT âm tính.
Xét nghiệm PCR-RT là xét nghiệm sinh học phân tử xác định sự hiện diện của virus thông qua phát hiện vật liệu di truyền. Nếu bệnh nhân đã khỏi, virus không còn, kết quả sẽ âm tính.
Để xác định bệnh nhân đã từng nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa, cần làm thêm xét nghiệm kháng thể với những trường hợp này. Thông thường, sau 7 ngày nhiễm SARS-CoV-2, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể.
Thứ hai: Người nhà nhân viên có thể lây từ các nguồn khác nhau và ổ dịch tại sân bay chỉ là một trong số đó.
PGS Phu nhận định, ca bệnh đầu tiên tại ổ dịch sân bay có thể đã xuất hiện cách đây 15-20 ngày, cùng thời điểm xuất hiện ổ dịch ở Chí Linh, Hải Dương.
Tuy nhiên, chủng virus ở TP. HCM là chủng cũ, không phải biến chủng tại Anh xuất hiện ở Hải Dương.
Trong tình hình hiện tại, PGS Phu cho rằng TP. HCM cần triển khai xét nghiệm diện rộng có chỉ định theo điểm nguy cơ bằng phương pháp gộp mẫu tại những điểm nguy cơ cao và tập trung truy vết để nhanh chóng khoanh vùng.
Tuy nhiên PGS Phu lưu ý, việc phong toả, giãn cách tại các khu dân cư cần hợp lý để ít ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ông cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Nguồn: vietnamnet