Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định quy định các vi phạm về tuyển sinh có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này quá nhẹ và không đủ sức răn đe.
* Ông Đỗ Văn Dũng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Sẽ có trường sẵn sàng chịu phạt để tuyển vượt
Nghị định 04/2021 của Chính phủ vừa ban hành quy định các vi phạm về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, mức phạt này có tác động nhất định nhưng cũng tùy trường. Với phần lớn các trường công lập bình thường thì mức phạt đó là vừa, nhưng với các trường tư có học phí cao thì mức phạt 100 triệu đồng chỉ tương đương học phí của 2 sinh viên/năm. Như vậy, các trường sẵn sàng chịu phạt để tuyển vượt chỉ tiêu.
Do vậy cần có quy định vượt bao nhiêu chỉ tiêu thì phạt 20% học phí 4 năm. Ví dụ vượt 30 sinh viên trường có mức học phí 50 triệu đồng/sinh viên/năm sẽ bị phạt 20%x30x50x4=1,2 tỉ đồng. Mức phạt như vậy mới đủ sức ngăn chặn sai phạm trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng hơn là Bộ GD-ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực tế năng lực đào tạo của các trường. Các trường sai phạm bị phạt rồi nhưng người học vẫn không được đảm bảo quyền lợi khi điều kiện học tập không đảm bảo chất lượng.
* Ông Phùng Quán (trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM):
Mức phạt quá nhẹ
Việc có những quy định pháp luật để xử phạt các cơ sở giáo dục có sai phạm trong tuyển sinh là cần thiết để hạn chế và ngăn chặn sai phạm trong lĩnh vực này. Theo nghị định này, các vi phạm quy định về sai chỉ tiêu tuyển sinh như tuyển vượt 20% chỉ tiêu trở lên phạt tối đa 70 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Việc xử phạt này quá nhẹ và không đủ răn đe các trường đại học tuyển dư số lượng. Số tiền phạt quá ít so với học phí thu được. Do đó, phải phạt bằng số học phí tuyển sinh dư (số phần trăm tuyển sinh vượt chỉ tiêu x học phí 1 năm x 4 năm) và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
* Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Tạo cạnh tranh công bằng
Nghị định của Chính phủ là hoàn toàn cần thiết và phù hợp để nâng cao tính kỷ cương, nề nếp của công tác tuyển sinh đại học cũng như đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tôi cho rằng đối với các trường đại học công lập lớn, những trường xác định chiến lược phát triển về chất lượng đào tạo và nâng cao trải nghiệm của người học thì các nội dung quy định này không gây bất kỳ khó khăn hay ảnh hưởng nào.
* Ông Nguyễn Quốc Anh (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM):
Các trường sẽ tuân thủ tốt hơn
Về việc vi phạm trong công tác tuyển sinh thì từ trước đến nay Bộ GD-ĐT đã và đang thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra liên tục ở các trường và có những xử phạt nghiêm khắc nếu phát hiện sai phạm. Việc bổ sung xử phạt hành chính, theo tôi, cũng phù hợp để đảm bảo công tác tuyển sinh được tốt hơn và các trường cũng sẽ tuân thủ tốt hơn các quy định của Bộ GD-ĐT.
Hiệu trưởng một trường cao đẳng tại TP.HCM:
Khó khăn hơn cho cao đẳng, trung cấp
Lâu nay các trường cao đẳng, trung cấp luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh do tâm lý thích vào đại học của thí sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, các trường đại học, nhất là ngoài công lập, ồ ạt mở ra với nhiều phương thức tuyển sinh khiến cơ hội vào đại học dễ hơn bao giờ hết. Điều này tạo nên một nghịch lý vì xã hội cần nhiều lao động có tay nghề hơn là những người học từ trường đại học.
Tôi thấy mức phạt 100 triệu đồng khi tuyển vượt chỉ tiêu là quá nhẹ, nếu không muốn nói là sẽ có trường sẵn sàng đóng tiền để hợp thức hóa tuyển vượt. 100 triệu đồng chỉ bằng học phí một năm của một trường đại học tư thu cao một chút. Tôi cho rằng xác định chỉ tiêu phải dựa vào nhu cầu nhân lực, chứ không phải do các trường “vẽ” ra và thực hiện đúng chỉ tiêu được tuyển cần được giám sát. Học phí là nồi cơm của các trường, nên các trường cứ tuyển ồ ạt dù năng lực đào tạo không đáp ứng được.
Nguồn: tuoitre.vn