Một bệnh nhân 40 tuổi bất ngờ bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công sau khi tiêm steroid, gây mất cả 2 tay và chân.
Đầu năm nay, anh James Newsome, 40 tuổi ở Michigan, Mỹ tới bệnh viện Henry Ford ở Detroit vì bị đau lưng dữ dội và được tiêm một mũi steroid để giảm đau.
Hai ngày sau, anh lại phải đến phòng cấp cứu trong tình trạng bị đau hông nghiêm trọng. Tại đây, các bác sĩ cho biết anh bị viêm khớp hông và được cho về nhà dùng thuốc giảm đau.
|
Gia đình hạnh phúc của của Newsome |
Tuy nhiên, sáng hôm sau, cơn đau không giảm và anh được chuyển vào khoa chăm sóc tích cực. Cuối cùng, anh được chẩn đoán bị nhiễm vi trùng Streptococcu nhóm A, loại vi khuẩn tương tự với vi khuẩn liên cầu khuẩn.
Các bác sĩ cho biết, vị trí mũi tiêm steroid đã không được khử trùng đúng cách và có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng này.
Newsome bị sốc nhiễm trùng và các cơ quan của anh bắt đầu bị phá hủy. Anh được phẫu thuật cấp cứu và phải lọc máu liên tục. Nhưng điều tệ hại không dừng ở đó vì nhiễm trùng đã phát triển thành viêm cân mạc hoại tử. Đây là loại nhiễm trùng ảnh hưởng tới mô và cơ dưới da gây hoại tử. Nguồn cung cấp máu bị cắt đứt và các chi chuyển sang màu đen.
Tay của bệnh nhân bị hoại tử tím đen |
TS Cameron Wolfe, một chuyên gia về bệnh nhiễm trùng ở bệnh viện ĐH Duke, Bắc Carolina cho biết nếu nhiễm trùng xâm nhập vào dòng máu, huyết áp giảm và việc lưu thông máu tới các cơ quan quan trọng sẽ gặp khó khăn.
Nhiễm trùng đã lan rộng tới cả 4 chi và chỉ 3 tuần sau mũi tiêm steroid đầu tiên, các bác sĩ cho biết Newsome phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần cả 4 chi.
Đầu tiên, đùi phải của anh bị cắt cụt cách hông khoảng 20 cm. Tiếp theo đến bàn chân trái rồi đến bàn tay và cổ tay trái, cuối cùng là tay phải bị cắt cụt tới khuỷu.
Quá đau đớn, Newsome khi đó đã bị trầm cảm nghiêm trọng nhưng cô con gái Anna 4 tuổi chính là động lực để anh tiếp tục sống. Newsome cho biết: “Tôi đã để bức ảnh con bé ở chân giường để bất cứ khi nào thất vọng, nhìn vào ảnh con gái tôi sẽ nhắc nhở bản thân tại sao mình cần phải mạnh mẽ”.
Newsome coi con gái chính là nguồn cảm hứng sống của mình |
Cuối cùng, sau 5 tháng ở trong bệnh viện, Newsome được trở về nhà, nơi anh sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Anh hiện đang được điều trị bằng liệu pháp nghề nghiệp để học cách ăn và đi lại bằng cách sử dụng chân tay giả mới của mình.
Hơn tất cả, Newsome muốn trở lại công việc của mình là một giáo viên lớp ba tại Trường Tiểu Học Clarence Randall.
Hiện Newsome đang tiến hành khởi kiện bệnh viện Henry Ford vì cho rằng nhiễm trùng mà anh mắc phải là do bệnh viện tiêm steroid chưa đúng cách
Viêm cân mạc hoại tử là gì?
Viêm cân mạc hoại tử (còn được gọi là bệnh do vi khuẩn ăn thịt) là một bệnh hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Hoại tử là tình trạng mô bị chết hoặc nhiễm trùng có thể phá hủy da, cơ và mỡ.
Bệnh này phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường qua một vết cắt hoặc vết xước nhỏ. Khi vi khuẩn được nhân lên, chúng giải phóng độc tố, tiêu diệt mô, làm giảm lưu thông máu tới các cơ quan.
Loại vi khuẩn độc hại này lây lan nhanh chóng khắp cơ thể.
Các triệu chứng bao gồm nổi các nốt nhỏ, màu đỏ trên da, vết thâm tím lây lan nhanh chóng, đổ mồ hôi, ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Tình trạng suy tạng và sốc cũng là các biến chứng phổ biến.
Những người nhiễm bệnh cần được điều trị ngay để ngăn ngừa tử vong và thường được dùng kháng sinh và phẫu thuật để cắt bỏ mô chết. Việc cắt cụt có thể trở nên cần thiết nếu bệnh lan tới cánh tay hoặc chân.
Bệnh nhân có thể cần được ghép da sau khi nhiễm trùng được loại bỏ để giúp cho quá trình điều trị hoặc vì lý do thẩm mỹ.
Có khoảng 500 – 1.500 trường hợp mắc bệnh được báo cáo mỗi năm và khoảng 20-25% trong số đó tử vong.
Nguồn: vietnamnet