Hiện nay, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người đang là vấn đề nóng gây hoang mang, lo lắng cho toàn xã hội. Chính vì vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được cả xã hội quan tâm; cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc và có những hành động quyết liệt, song kết quả chưa được như mong muốn.
Tại thị xã Bình Long, trong quý 1/2017, cơ quan chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử phạt hành chính 36 triệu đồng đối với một số sai phạm trong vấn đề VSATTP như rau muống ngâm hóa chất, chà bông làm bằng bìa các tông; rượu chứa hàm lượng methanol vượt mức cho phép… (báo cáo của Phòng Y tế thị xã Bình Long ngày 13-4-2017). Ngày 7-4-2017, Ban chỉ đạo VSATTP thị xã Bình Long đã xây dựng Kế hoạch số 66/KH-BCĐ về việc thực hiện công tác VSATTP trên địa bàn năm 2017, trong đó đưa ra mục tiêu, hoạt động cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các phòng, ban liên quan nhằm nâng cao năng lực tổ chức quản lý nhà nước về vấn đề VSATTP, nâng cao nhận thức, thái độ, trách nhiệm của người sản xuất – kinh doanh, chế biến và tiêu dùng về VSATTP; chủ động trong bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Ngày 20-4, UBND tỉnh phát động “Tháng hành động về an toàn thực phẩm” năm 2017 tại thị xã Bình Long. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thanh – kiểm tra, giám sát cũng được tổ chức một cách mạnh mẽ, thường xuyên.
Trang trại heo của ông Phùng Văn Bảo, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long chuẩn bị tham gia chuỗi cung ứng thịt heo sạch, an toàn từ trang trại tới người tiêu dùng tại chợ Bình Long
Tuy nhiên, để công tác VSATTP đạt hiệu quả cao, thị xã Bình Long cần thực hiện từ gốc, giải quyết và thực hiện đồng bộ một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch an toàn từ trang trại đến người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm chủ lực, thiết yếu như rau củ quả, thịt heo, thịt gà,… bằng cách đưa các chế phẩm sinh học, hữu cơ vi sinh vào quá trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng hiệu quả sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chất lượng các nguyên liệu đầu vào trong chăn nuôi, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Xây dựng các tổ hợp tác thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học bền vững, bảo vệ môi trường…
Thứ hai: Cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, bao gồm chứng nhận cam kết môi trường, chứng nhận an toàn dịch bệnh, giấy phép kinh doanh, chứng nhận sản phẩm chất lượng an toàn, chứng nhận VietGAP. Cấp giấy chứng nhận cho người kinh doanh bán hàng bao gồm giấy chứng nhận VSATTP, chứng nhận kiểm tra định kỳ chất lượng sản phẩm tươi sống (như chỉ số e.coli, salmonella, chất cấm, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật), giấy chứng nhận sức khỏe.
Thứ ba: Xây dựng cửa hàng cung ứng các sản phẩm nêu trên (lấy trực tiếp từ nơi sản xuất, không qua thương lái trung gian) giúp người tiêu dùng phân biệt với các loại thực phẩm cùng loại khác bán tại chợ truyền thống, thực phẩm phải có bao bì ghi rõ địa chỉ, số điện thoại nơi sản xuất, đóng gói để truy xuất nguồn gốc, giá bán được niêm yết công khai, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng.
Thứ tư: Các cấp, ngành chức năng cần tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất – kinh doanh. Đồng hành và hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu trong việc cấp các loại giấy chứng nhận đã nêu. Đồng thời kiên quyết xử lý triệt để và công khai các vi phạm về VSATTP trên địa bàn để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường.
Có thể nói, việc thực hiện thành công chuỗi cung ứng thực phẩm sạch an toàn từ trang trại đến người tiêu dùng sẽ kiểm soát chặt chẽ được vấn đề VSATTP một số mặt hàng chủ lực, thiết yếu; đồng thời xây dựng được thương hiệu hàng nông sản, gắn sản xuất hàng hóa với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế hàng nông sản, tạo sức cạnh tranh của dịch vụ, giảm bớt khâu trung gian, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sản xuất và tiêu dùng cùng có lợi. Như vậy sẽ củng cố và đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp được hiệu quả, bền vững.
Chuỗi “Cung ứng thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến người tiêu dùng” sẽ là tiền đề để thực hiện các chuỗi cung ứng thực phẩm khác. Qua đó giúp thay đổi thói quen người tiêu dùng; nâng cao ý thức, trách nhiệm, vì sức khỏe người tiêu dùng của người sản xuất – kinh doanh; sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, phù hợp với xu thế thời kỳ hội nhập.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn