Chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, người dân có thể mua một chiếc loa kẹo kéo công suất lên đến “6.000W” hàng ta, hàng Tàu đủ cả tại ‘thủ phủ’ hàng điện tử TP.HCM ở chợ Nhật Tảo (Q.10).
Vào vương quốc loa, loa kẹo kéo hát to cỡ nào cũng có?
Con đường Nhật Tảo chuyên mua bán các loại loa máy nhộn nhịp bậc nhất TP.HCM, xập xình tiếng nhạc từ hàng chục cửa hàng vào buổi trưa giữa tuần. Ngay từ đầu đường, các cửa hàng đã trưng ra hàng chục mẫu loa kẹo kéo lớn nhỏ với đủ thương hiệu, đủ sắc màu.
Xé toạc chiếc màng co bọc vỏ loa mang nhãn hiệu C. được giới thiệu là “hàng California”, nhân viên của cửa hàng N. bật bluetooth thử chiếc loa công suất 100W cho khách hàng.
Nhạc vừa vang lên câu hát “một đời lênh đênh trắng tay yêu em nhiều bao năm ngại cưới…”, nam nhân viên liền vặn volume lên vị trí max và quả quyết âm thanh của chiếc loa “xịn” này vang xa cả… cây số. Ít phút sau, nam nhân viên chuyển tông sang nhạc sàn, chiếc loa vang ầm ầm khiến màng co của những chiếc loa khác cũng giật lia lịa.
“Loa kẹo kéo này anh hát gia đình cũng sướng mà chơi nhạc sàn cũng phê luôn, âm thanh sáng nên vang đi xa lắm” – nam nhân viên này nói. Với giá “chốt đơn” 8 triệu đồng, nam nhân viên này cho biết sẽ bảo hành loa một năm song không bảo hành pin.
Cách đó không xa, cửa hàng Q. cũng là nơi chuyên bán các loại loa kéo, loa vali, loa bluetooth với hàng hoạt sản phẩm xếp tràn ra đường. Mở bản beat bản nhạc “Tiễn biệt“, chủ quán cầm đôi micro không dây giới thiệu chiếc loa di động “chất” nhất cửa hàng dài cả mét với thời lượng pin “trâu” lên đến 5 tiếng dù đây là loa đôi 4 tấc.
Hàng Trung Quốc, lắp ráp Việt Nam?
Theo chủ quán, đây là chiếc loa chuyên bán cho những người mua về cho thuê loa kẹo kéo bởi công suất lớn lên đến “6.000W”. Dù loa mang thương hiệu, mẫu logo của hãng loa Bose song chủ cửa hàng cũng thẳng thừng chia sẻ đây không phải là hàng chính hãng mà là hàng Trung Quốc.
“Hàng Bose mấy chục triệu một cái loa nhỏ xíu, làm gì có chuyện Bose bán loa kẹo kéo kiểu này. Bo mạch, phụ kiện của loa được nhập khẩu từ Trung Quốc, còn mẫu mã và thùng loa được đóng, lắp ráp ở Việt Nam” – chủ cửa hàng nói.
Với chiếc loa này, cửa hàng ra giá 7,2 triệu đồng, giao hàng tận nhà và cam kết “hát to cỡ nào cũng được”. Ngoài loa khủng này, cửa hàng cũng bán hàng chục mẫu loa khác với giá chỉ từ 300.000 đồng – 5 triệu đồng tùy theo công suất và kích cỡ. Theo chủ cửa hàng, rất nhiều loại loa ở đây đã được bán sỉ đi các nơi để cho thuê hát kẹo kéo, chỉ thời gian ngắn là bù lại giá vốn.
Trong khi đó, cũng với mẫu loa đôi công suất “6.000W”, một cửa hàng khác lại chào giá chỉ 5 triệu đồng. “Mẫu này cả chợ giống nhau, cứ nhập linh kiện từ Trung Quốc về, ráp lên thôi. Chỉ khác nhau một chút mẫu mã bên ngoài, còn chất lượng giống nhau” – vị chủ cửa hàng L. nói.
Dù các loại loa của cửa hàng đều dán thương hiệu các mẫu loa uy tín như JBL, Bose hay các mẫu có logo tương tự các thương hiệu trên song chủ cửa hàng thừa nhận đều là hàng nhập linh kiện về tự lắp ráp.
Tương tự, đại diện cửa hàng bán loa T. cũng khẳng định hiện nay rất nhiều loại loa kẹo kéo công suất lớn được các công ty nhập bo mạch, linh kiện về lắp ráp ở Việt Nam, khi bị hư hỏng cũng phải chờ bo mạch thay thế từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong danh mục các sản phẩm loa kẹo kéo mang các thương hiệu nổi tiếng đều không có mẫu mã, kiểu dáng như sản phẩm “chính hãng” đang được nhiều cửa hàng tại chợ Nhật Tảo kinh doanh.
Vào năm 2019, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng đã ra quyết định khởi tố hình sự về hành vi buôn lậu đối với một doanh nghiệp tại TP.HCM về hành vi buôn lậu loa thùng khi nhập hơn 600 loa mới 100% từ Trung Quốc nhưng đã in sẵn một thương hiệu Việt Nam.
Phẫn nộ với loa kẹo kéo khắp phố phường
Hàng trăm bạn đọc Tuổi Trẻ Online vô cùng phẫn nộ với việc sử dụng đại trà loa công suất lớn tại các hộ gia đình, cửa hàng, siêu thị, chợ, quán nhậu hiện nay, vô tư vặn volume và không ai xử lý. “Nơi ở mà như hội chợ”.
Có bạn đọc đòi cấm bán, cấm xài loa luôn; có bạn đọc đòi đánh thuế cao; có bạn đọc đòi kinh doanh loa phải đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Có bạn đọc đề nghị ngang nhiên quá thì tịch thu hết đi.
“Cứ đánh thuế loa kẹo kéo thật cao vào, 300-400% là xong” – bạn đọc Cao Thang đề nghị rất ngắn gọn.
Tại sao pháo cấm được mà loa kéo không cấm được? – bạn đọc Van Chinh hỏi ngắn gọn.
“Vì để mưu sinh tôi làm nghề này nhưng hiện tại đã ngưng, thực sự mà nói vì loa có thể di động nên quá tiện lợi, hầu như nhà nào giờ cũng có, to hay nhỏ, nếu không thích mua thì thuê. Để hạn chế bớt tình trạng hát tràn lan bừa bãi, tôi nghĩ phải có một số lệnh cấm, ví dụ như cấm nhập và sản xuất loa kéo (dù to hay nhỏ), cấm cho thuê hay mua bán, cấm hát ở khu công cộng, cấm hát vào giờ nghỉ trưa và đến 21h phải kết thúc” – bạn đọc Thienbaongoc.
Địa phương cần ra tay quyết liệt với “Karaoke hung thần”
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng cần quản lý mạnh ở góc độ những người mua các sản phẩm loa kẹo kéo về để hát hò gây rối trật tự, an ninh địa phương, khu dân cư… khi mở quá lớn, không tuân thủ quy định giờ giấc.
Theo ông Hòa, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm, ra tay và xử lý nghiêm khắc thì “hung thần karaoke” ở các địa phương sẽ giảm. Ông Hòa cho rằng không nên xử lý tiếng ồn karaoke theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” mà cần làm một cách thường xuyên, liên tục ở khắp các địa phương trên cả nước để giảm mức ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke đến mức thấp nhất.
Nguồn: tuoitre.vn