Thị trường vàng chứng kiến một cú tụt giảm mạnh, có lúc xuống tới 1.677 USD/ounce (khoảng 47 triệu đồng/lượng). Tuy nhiên, đây được xem là một đợt điều chỉnh trong xu hướng tăng và vàng sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay.

Biến động mạnh

Thị trường vàng thế giới vừa chứng kiến một đợt biến động mạnh hiếm có. Trong phiên giao dịch 6/8, giá vàng giao ngay lao dốc mất hơn 100 USD và xuống dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 10 có lúc xuống tới ngưỡng 1.677 USD/ounce.

Giá vàng giảm mạnh và hiện mới chỉ hồi phục lên khoảng 1.750 USD/ounce trong bối cảnh giới đầu tư bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch Covid-19. Mỹ và nhiều nước châu Á chứng kiến tình trạng lây nhiễm rất nhanh. Số người thiệt mạng tăng nhanh.

Vàng giảm giá trong lúc dòng tiền vào thị trường này bỗng dưng suy giảm nghiêm trọng, khi các thị trường chứng khoán thế giới không ngừng tăng điểm, thị trường tiền số sôi động trở lại. Đồng Bitcoin leo lên trên ngưỡng 45.000 USD, từ đáy khoảng 30.000 USD vài tuần trước.

bieu-do-bien-dong-gia-vang-the-gioi-5-nam-qua
Biến động giá vàng thế giới trong 5 năm qua.

Chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh mới trong những phiên gần đây sau khi Mỹ thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá lớn chưa từng có, trị giá 1.000 tỷ USD, một động thái được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Sắp tới, có thể là gói an sinh xã hội 3.500 tỷ USD sẽ khiến kinh tế Mỹ ngập trong tiền. Chứng khoán châu Âu cũng lập nhiều kỷ lục mới.

Đồng USD tăng giá khá mạnh sau khi Bộ Lao động Mỹ bất ngờ công bố số liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 giảm xuống chỉ còn 5,4%, so với mức 5,9% trong tháng 6.

Một nền kinh tế tươi sáng hơn, một báo cáo việc làm tốt hơn so với dự kiến giúp đẩy đồng USD đi lên, qua đó tác động tiêu cực tới giá vàng.

Không những thế, con số về lạm phát thấp của Mỹ cũng là yếu tố có thể đẩy giá vàng giảm.

Số liệu vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 của Mỹ tăng 0,5%, bằng với dự báo của các nhà kinh tế và thấp hơn mức tăng 0,9% trong tháng 6. So với một năm trước, khi CPI tăng 5,4%, cũng đúng như dự báo.

Câu chuyện “bơm tiền nhiều gây lạm phát” dường như chưa xảy ra. Những lời trấn an của Fed cho rằng, lạm phát cao chỉ là “tạm thời” có vẻ đúng vào thời điểm hiện tại. Dòng tiền đổ vào vàng rất yếu. Tin Mỹ bơm 1.000 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cũng không kéo được giá vàng đi lên, gây ra sự thất vọng lớn và có thể còn gây áp lực đối với mặt hàng này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều dự báo cho rằng vàng giảm giá vừa qua chỉ là một đợt điều chỉnh trong xu hướng tăng và vàng sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Giá vàng có thể quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce (gần 60 triệu đồng/lượng).

Kỳ vọng với vàng vẫn lớn

Theo Bloomberg Intelligence, cú giảm đột ngột của vàng vừa qua, từ 1.820 USD/ounce xuống dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce, chỉ là một cú điều chỉnh trong xu hướng tăng giá của vàng.

Chiến lược gia hàng hóa cao cấp Mike McGlone của Bloomberg Intelligence nhận định, vàng đang được hỗ trợ ở ngưỡng trung bình động 24 tháng và những gì đang diễn ra chỉ là cú sụt giảm trong xu hướng tăng giá. Và một khi, những méo mó của thị trường giai đoạn 2020-2021 suy giảm, vàng sẽ tăng giá và tiếp tục xu hướng đi lên trước đại dịch.

Vàng lên 60 triệu đồng/lượng, những cảnh báo mức giá kỷ lục mới
Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 8 triệu đồng/lượng.

Cũng theo các chuyên gia trên Bloomberg, xu hướng tăng giá về dài hạn của vàng còn kéo dài, khi các nước tiếp tục các gói nới lỏng định lượng và tỷ lệ nợ trên GDP đang ở mức rất cao.

Barrick Gold – một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới – cũng kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2021 bởi lượng sản xuất vàng có xu hướng suy giảm so với năm ngoái.

Trên Kitco, các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng mở rộng nhanh chóng bảng cân đối kế toán sẽ dẫn đến lạm phát lớn về giá tài sản và tiêu dùng. Dòng tiền sẽ nhanh chóng đổ vào vàng và kéo giá mặt hàng này đi lên. Giá vàng sẽ lên mức cao nhất mọi thời đại vào năm nay.

Bên cạnh yếu tố lạm phát về dài hạn, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán từ đỉnh cao kỷ lục cũng khiến dòng tiền tháo chạy đổ vào vàng. Mike McGlone, chiến lược gia cao cấp mảng hàng hóa của Bloomberg Intelligence, dự báo, khi đó, vàng sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce (khoảng 57 triệu đồng/lượng).

Hiện tại, giá vàng SJC trong nước đang ở mức 57 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 8 triệu đồng/lượng. Với mức chênh vẫn như vậy, giá vàng SJC sẽ lên khoảng 65 triệu đồng/lượng.

Trên trang Capital, các chuyên gia cũng cho rằng, do nhu cầu tích cóp và đầu tư vàng tăng khiến giá kim loại quý này có thể quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce trong năm 2021, sau khi chạm mốc cao nhất trong lịch sử 2.063 USD/ounce vào tháng 8/2020.

Trước đó, vàng đã tăng giá kéo dài từ giữa năm 2018 đến tháng 8/2020, vượt qua đỉnh cao thiết lập hồi tháng 8/2011. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hiện tượng bán tháo xảy ra đối với nhiều loại hàng hóa và tài sản. Vàng giảm nhanh nhưng có tín hiệu tăng trở lại do nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, đặc biệt khi mà nguy cơ lạm phát cao được cảnh báo ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của vàng từ đầu 2021 tới nay bị suy giảm do chứng khoán thế giới tiếp tục phá đỉnh. Nhiều đồng tiền số tăng giá nhanh cũng hạn chế dòng tiền đổ vào vàng.

Gần đây, một số quỹ dự báo giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce, thậm chí 5.000 USD/ounce (tương đương 141 triệu đồng/lượng) trong vòng 3-5 năm tới do việc in tiền của ngân hàng trung ương các nước không thực sự giải quyết được vấn đề và có thể gây ra tình trạng bong bóng tài sản.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giá vàngmức giá

Các tin liên quan đến bài viết