Nhiều sản phẩm giảm cân, viên hoàn điều trị tiểu đường không rõ nguồn gốc bị phát hiện chứa chất cấm, gây ra nhiều vụ ngộ độc, thậm chí là tử vong cho người sử dụng.

Chất cấm tái xuất

Ngày 19/3, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân 63 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận… do uống thuốc Nam chữa bệnh tiểu đường. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm, nhưng không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên, bột về uống.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong những thuốc mà bệnh nhân sử dụng có một gói là phenformin – loại thuốc điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu do gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người. “Thông thường, ngộ độc do phenformin gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50-60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết, còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận nặng”, bác sĩ Nam cảnh báo.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhân N.M.P. (nam, 56 tuổi) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và đau bụng. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác định là ngộ độc phenformin.

Theo PGS. Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), gần đây, Khoa liên tục tiếp nhận 5 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý uống các loại viên hoàn để điều trị bệnh tiểu đường. Hệ quả là 4 trong số các bệnh nhân đó đã tử vong. Kết quả xét nghiệm các viên tiểu đường hoàn mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin.

“Các bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm, nhưng không điều trị bằng thuốc Tây, mà uống viên tiểu đường hoàn không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, được bán tràn lan, rất dễ mua. Các bệnh nhân đều vào viện với bệnh cảnh giống nhau như đau bụng, mệt mỏi, sốc, suy đa tạng, diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao”, ông Cơ nêu.

Không chỉ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thời gian qua, nhiều loại thực phẩm chức năng nhập khẩu bị phát hiện chứa chất cấm. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi thông báo 7 loại sản phẩm của Singapore chứa chất cấm nguy hại, trong đó kẹo sâm “cường dương” Hamer đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng có chứa chất N-desmethyl Tadalafil (chất kích dục).

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin về lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên giảm cân Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm sibutramin. Một số sản phẩm chứa chất cấm sibutramine như Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate…

Liệu có lỗ hổng?

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do chưa bị xử lý thích đáng, mà chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng vẫn diễn ra thường xuyên.

Ông Phạm Văn Hinh, Trưởng phòng Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, Điều 317, Bộ luật Hình sự quy định, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự và các văn bản của pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể chất cấm, hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc thực phẩm chức năng nói riêng là những chất nào do chưa có danh mục cụ thể. “Từ kẽ hở này, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để dùng các chất cấm trong sản xuất – kinh doanh thực phẩm”, ông Hinh cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong kinh doanh thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng các chất cấm này trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, xử phạt nặng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Phong cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm chức năng; kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội…

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chất cấmgiảm cânsản phẩmthực phẩm chức năng

Các tin liên quan đến bài viết