Sau 3 thập kỷ, hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên phân hóa mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị, văn hóa. Hàn Quốc trở thành nền kinh tế phát triển, một trong 4 con rồng châu Á.
Trải qua 30 năm, hai nước đã phân hóa mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Hàn Quốc nhanh chóng công nghiệp hóa, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới, trong khi Triều Tiên tương đối trì trệ. Kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 64 USD. Đến những năm 1960, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc vẫn chỉ mức tương đương với các nước nghèo tại châu Phi và châu Á.
GDP bình quân đầu người của Triều Tiên và Hàn Quốc qua các năm. Đồ họa: New York Times. |
Sau khi chấm dứt chế độ độc tài quân sự, Hàn Quốc mở cửa với thế giới. Triều Tiên trong khi đó tiếp tục bị cô lập.Ngày nay, Hàn Quốc xuất khẩu điện thoại Samsung, xe Hyundai và phim truyền hình dài tập. Triều Tiên thì vẫn phải phụ thuộc vào xuất khẩu than, quần áo và thủy sản, lao đao bởi hàng loạt lệnh trừng phạt.Vào thời kỳ Triều Tiên chống chọi với nạn đói, Hàn Quốc trở thành một nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu của châu Á, xuất khẩu phim điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc, đặc biệt nổi tiếng với K-pop.Seoul và đột phá Thế vận hội
Qua Đại hội thể thao châu Á năm 1986 và Thế vận hội 1988, Seoul đã đẩy mạnh các hoạt động nằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh ra thế giới. Việc xây dựng sân bay quốc tế mới và các trung tâm hội nghị phản ánh sự phát triển thành một đô thị toàn cầu của Seoul. Chính phủ bắt đầu dự án làm sạch nước ô nhiễm sông Hán. Các bờ sông tự nhiên được thay thế bằng bê tông ngay ngắn và đường ống thoát nước đặt dọc hai bên bờ để lọc chất ô nhiễm.Một đường cao tốc được xây dọc theo bờ sông, nối sân bay Kimpo với trung tâm thành phố và sân vận động Olympics. Đường tàu điện ngầm cũng được mở rộng. Các tuyến số 2, số 3 và số 4 tạo thành một chữ X đi khắp trung tâm Seoul.
Seoul hiện là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của cả Hàn Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong thập niên 80 thế kỷ trước, chính phủ thúc đẩy dự án tái phát triển và đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt Seoul. Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng đông, chính phủ khởi động các dự án nhà ở khổng lồ tại các khu Mok-dong, Kodok-dong, Kaepo-dong và Sanggye-dong.Năm 1989, chính phủ Hàn Quốc xây dựng 5 thành phố vệ tinh: Ilsan, Pundang, Sanbon, Pyongchon và Chungdong, để giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở Seoul. Seoul không còn là một thành phố độc lập mà trở thành trung tâm của vùng mở rộng đô thị hơn 20 triệu người. Thành phố tiếp tục thay đổi nhanh chóng vào những năm 1990, khi nền tảng công nghiệp từ lao động được thay bằng công nghệ cao.Triều Tiên bị bỏ lại sau 30 năm
Ngày 9/2, đoàn đại biểu của Triều Tiên cùng đoàn Hàn Quốc diễu hành dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Olympics tại PyeongChang. Màn trình diễn thể hiện tinh thần thể thao đoàn kết, song không thể phủ nhận rằng kể từ Thế vận hội Seoul, Triều Tiên và Hàn Quốc đã trở nên rất khác biệt chỉ trong 3 thập kỷ.Vào thời điểm Olympics 1988 diễn ra, cả hai miền bán đảo Triều Tiên đều đủ khả năng xây dựng các hệ thống tàu điện ngầm phức tạp dưới lòng các thủ đô. Nhưng một thập kỷ sau Thế vận hội Seoul, chỉ Hàn Quốc có thể duy trì đều đặn hoạt động của các tuyến tàu điện ngầm này, theo New York Times.Các ga tàu điện ngầm ở Seoul mang đặc thù của một quốc gia công nghiệp phát triển, ngập tràn các áp phích quảng cáo phim và làm đẹp. Trong khi đó, hệ thống tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng trang trí dày đặc tranh ảnh cổ động, rộng gấp hai lần nơi trú bom hạt nhân song rất ít được sử dụng. Các toa tàu mấy chục năm nay không hề được nâng cấp, hầu như còn mới.
Hình ảnh ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng năm 2005 (trái) và ở Seoul năm 2006. Ảnh: Getty. |
Điều đáng nói là Bình Nhưỡng lựa chọn theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, cô lập mình với thế giới. Vài năm trước, nhiều người vẫn xem chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ là trò đùa và không thể đe dọa đến Mỹ, nhất là sau các vụ phóng tên lửa thất bại. Giờ đây, việc Bình Nhưỡng thực sự có khả năng phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân vẫn chưa được chứng thực và còn gây nhiều tranh cãi.Tuy nhiên, với quyết tâm sắt đá, các vụ thử nghiệm thành công và những bước tiến lớn đạt được trong năm 2017 về chương trình vũ khí hạt nhân, cuối cùng thì Triều Tiên cũng khiến các cơ quan tình báo và chính sách đối ngoại trên thế giới đã phải nhìn nhận nghiêm túc về năng lực hạt nhân của nước này.Mặt khác, sự theo đuổi dai dẳng đối với tên lửa đạn đạo và công nghệ vũ khí hạt nhân đi ngược lại mong muốn hòa bình của cộng đồng quốc tế, dẫn tới hậu quả là Bình Nhưỡng bị cô lập và phải gánh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Kinh tế Triều Tiên trong những năm gần đây bắt đầu tăng trưởng ở mức độ vừa phải, nhưng hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề của Liên Hợp Quốc đã khiến Triều Tiên không thể bán các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh. Nền kinh tế quốc gia này có thể sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn. Chỉ vài tuần trước, ý tưởng Triều Tiên dự Thế vận hội còn là không tưởng. Tổng thống Moon Jae In bày tỏ hy vọng Olympics PyeongChang có thể chấm dứt bế tắc và thúc đẩy các bên đàm phán.Tại kỳ Thế vận hội này, một dấu hiệu nữa cho thấy căng thẳng hạ nhiệt là Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ không chỉ cùng nhau diễu hành trong lễ khai mạc mà còn cùng thi đấu trong đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ.