Văn hóa xếp hàng đơn giản chỉ là cách giữ trật tự theo hàng, người đi trước xếp trước và người đi sau xếp sau một cách tuần tự… Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện điều đó như một thói quen thông thường cần phải có ở nơi công cộng. Không ít người gặp cảnh chen lấn, xô đẩy, tuy không đồng tình nhưng cũng chỉ chau mày hoặc càm ràm chứ ít thẳng thắn phê bình, chỉ trích. Một số bạn trẻ còn dè bỉu người đứng xếp hàng ngay ngắn giữa đám đông lộn xộn. Cũng vì thế mà ngày càng xảy ra cảnh “mạnh ai nấy lấn” ở thang máy, siêu thị, rạp chiếu phim, cây ATM…

Ngày 28-4 vừa qua, cộng đồng mạng bày tỏ bức xúc mạnh khi một cô gái không chỉ chen ngang đoàn người đang xếp hàng để giành thanh toán trước tại một siêu thị ở Hà Nội mà còn nặng lời nói hỗn với người đàn ông khoảng 60 tuổi khi ông này nhắc nhở cô cần phải xếp hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhường chỗ cho người cao tuổi cũng là cách thể hiện văn hóa của người trẻ nơi đám đông, đằng này…!?

Xếp hàng – chuyện tưởng như nhỏ nhưng lại không hề nhỏ, vì nó ảnh hưởng đến trật tự, ý thức và văn hóa của con người trong xã hội. Vì vậy, việc này phải được giáo dục ngay từ khi còn là học sinh. Trong ảnh: Thầy trò Trường THPT Đồng Xoài trong ngày khai giảng – Ảnh: Nguyễn Bình

Facebook tên Đông Vũ đã chia sẻ hình ảnh phản cảm của cô gái kèm theo lời nhắn nhủ: “Hy vọng rằng bạn ấy có thể đọc những dòng này, nhìn thấy những hình ảnh xấu xí của mình trong mắt mọi người xung quanh để thay đổi tâm tính, nhớ lại văn hóa xếp hàng trong môn Đạo đức chúng mình từng được học hồi tiểu học và kính trên nhường dưới một chút”. Câu chuyện sau khi chia sẻ trên mạng xã hội đã có hơn 6.300 lượt thích và hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Cư dân mạng đã nhanh chóng truy tìm và nhận ra cô gái là một giáo viên đến từ Thái Bình. “Cô giáo mà thế này thì chẳng biết dạy trẻ con kiểu gì. Ăn nói như người không có học hành vậy” – Đ.L chia sẻ.

Không ít lần người viết chứng kiến thang máy vừa mở cửa, mọi người cùng lao vào không cần biết ai đến trước ai đến sau. Thậm chí có lúc thang máy quá tải kêu lên, họ vẫn làm ngơ như không nghe thấy cho đến khi có người “thiếu nhẫn nại” đành tự nguyện bước ra.

Với tôi, ấn tượng không thể quên là trong một lần về thăm quê, cả huyện chỉ có một cây ATM nên mất khá nhiều thời gian mới tới lượt rút tiền. Vừa đưa thẻ vào máy vừa quan sát xung quanh, tôi thấy cô gái khá xinh dừng xe máy bên hông trụ ATM rồi vào trong đứng cạnh tôi trước ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều người. Quá bức xúc trước hành động của cô gái, tôi gay gắt: “Em có thấy những người đang đứng chờ kia không?”. Cô gái quay ra chống chế: “Nhưng em đang vội”. Tôi nói: “Ai chẳng vội, em còn trẻ mà làm thế là không được”. Nghe biện minh, ai cũng bực mình vì cô gái trẻ không hề nhận ra lỗi…

Nhớ lại thời cha mẹ tôi vẫn đi xếp hàng để mua thực phẩm theo tem phiếu mà thấy tiếc nuối… Giá như thời này cũng được như thế! Ngày đó, tôi cũng từng thay mẹ đi xếp hàng mua gạo, thịt và thấy nếu ai đó đang xếp hàng nhưng bận việc thì để cục gạch hay túi xách làm dấu. Mọi người mặc nhiên thừa nhận việc làm đó, không bao giờ có chuyện chen ngang dẫn đến cãi cọ.Tôi nhớ có lần xếp hàng làm thủ tục hàng không ở sân bay, bỗng xuất hiện một người đàn ông chừng 40 tuổi xăm trổ đầy mình ngang nhiên đứng lên hàng đầu chờ kiểm vé. Những vị khách Tây tròn xoe mắt, tỏ vẻ bất lực, còn người Việt im lặng không dám nhắc nhở vì vẻ hầm hố của người đàn ông. Sự chen lấn của anh ta cũng đâu nhanh thêm bước nào mà còn bị mọi người nhìn với ánh mắt xem thường.

Có thể do nhịp sống nhanh, sự ganh đua, ích kỷ và việc không tôn trọng người khác đã sinh ra lối hành xử thiếu ý thức trong việc xếp hàng. Ở nhiều siêu thị đã dành riêng quầy thu ngân cho khách mua ít đồ hoặc “vip” để việc thanh toán được nhanh chóng, nhưng vẫn có người “không thuộc diện” tới quầy đó mà không để ý đến nhiều ánh mắt khó chịu của những người xung quanh. Nhìn xa hơn trên những cung đường, cũng vì thiếu ý thức xếp hàng, đi theo trật tự mà nhiều người đã cố gắng chen lấn từng centimet, góp phần làm cho tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng. Việc không tôn trọng người khác là một hệ quả của sự ích kỷ. Những người không tôn trọng người khác sẽ khó mà nhường nhịn người già, trẻ em. Dịp lễ chùa Hương vừa qua, cộng đồng mạng cũng lại một phen “dậy sóng” khi nhiều cô gái xúm vào đánh một cụ bà đến ngất xỉu chỉ vì bà giẫm vào chân một cô gái trong nhóm.

Chúng ta thường nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… như hệ quy chiếu để so sánh những thói hư tật xấu của người Việt. Bởi vì, đến như việc đối mặt với đói khát sau thiên tai sóng thần thì người Nhật vẫn xếp hàng tuần tự, nhường nhau khi được phát chẩn cứu đói. Xếp hàng – chuyện tưởng như nhỏ nhưng lại không hề nhỏ khi nó ảnh hưởng đến trật tự, ý thức và văn hóa của con người trong xã hội. Đây là hành vi nói lên nhiều điều về một con người hay là sự phát triển của một đất nước. Văn hóa xếp hàng vẫn tiếp tục diễn ra hằng ngày ở các siêu thị lúc thanh toán tiền, khi mọi người ra vào bãi giữ xe, trên đường giao thông… Đây là nét đẹp văn hóa không thể thiếu cần phải được tuân thủ để thực hiện nếp sống văn minh.

Xếp hàng chỉ đơn giản để không chen lấn, xô đẩy và qua đó thể hiện trình độ văn hóa, vừa tôn trọng mọi người vừa giúp công việc thực hiện một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Khi xếp hàng, mọi người thường ưu tiên người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. Điều này không hề mới mà đã có từ thời “bao cấp”, tem phiếu, hầu hết thế hệ 7X trở về trước đều biết. Thời đó, ai cũng xem xếp hàng để mua lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (chủ yếu gạo, thịt, sữa, săm, lốp xe đạp) ngay ngắn và trật tự như một thói quen phải tuân thủ mọi lúc, mọi nơi. Đáng ra, xã hội văn minh càng phải phát huy nét đẹp này thì thời gian gần đây, nét văn hóa này càng bị mai một, nhất là ở không ít bạn trẻ lại càng lạ lẫm khiến nhiều người cảm thấy lo ngại cho rằng văn hóa đang đi xuống!

Theo baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : văn hóa xếp hàngxếp hàng

Các tin liên quan đến bài viết