Xe máy leo vỉa hè dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM |
Theo quy định, vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng tại TP.HCM, nhiều con đường có vỉa hè cũng như không vì phía trong bị người buôn bán lấn chiếm, phía ngoài bị xe máy đậu thành hàng, thậm chí người đi xe máy còn lấn lên cả vỉa hè để đi cho nhanh. Nhiều người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường dù biết là vi phạm Luật giao thông, nguy hiểm tính mạng.
Xe máy leo lên vỉa hè dành cho người đi bộ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM |
Phát động diễn đàn “Văn hóa giao thông”
Ý thức giao thông kém, trật tự giao thông hỗn loạn… là những cụm từ được nhắc đến nhiều về thực trạng giao thông hiện nay, đặc biệt ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…Các chuyên gia khẳng định xây dựng nền tảng ý thức giao thông giúp giải quyết phần lớn bài toán giao thông nhức nhối hiện nay như kẹt xe, tai nạn, ứng xử giữa những người đi đường… Xuất phát từ trăn trở “Xây dựng văn hóa giao thông từ đâu?”, báo Tuổi Trẻ tổ chức bàn tròn nhằm phát động diễn đàn “Văn hóa giao thông” vào ngày 26-2. Buổi lễ phát động có sự tham gia của đại diện các đơn vị phối hợp: đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt – Công an TP.HCM và đại diện đơn vị đồng hành là Công ty kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp). Thông qua buổi lễ phát động, báo Tuổi Trẻ mong muốn tạo diễn đàn nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp từ đông đảo bạn đọc, chuyên gia, cơ quan chức năng liên quan… xoay quanh chủ đề xây dựng ý thức văn hóa giao thông.L.SƠN |
Xử phạt
Theo TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH&NV), việc giải quyết câu chuyện lấn chiếm lòng lề đường không từ ý thức hay văn hóa của người dân mà nên từ những quy định cụ thể rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước. Chính quyền phải khảo sát nhu cầu của người dân, nghiên cứu để có một bức tranh toàn cảnh chung rồi mới cân đối để đặt ra những quy định chế tài mà xử lý. Ví dụ như tuyến đường nào, khu vực nào cho sử dụng vỉa hè, tuyến đường nào cấm. Những tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè thì giải quyết việc để xe của người dân ra sao, dân phải tự chừa diện tích trong nhà làm chỗ để xe hay có một bãi xe tập trung ở đầu ô phố…? Sau khi có quy chế của từng khu vực, Nhà nước sẽ tuyên truyền trong một thời gian nhất định, hết thời gian tuyên truyền thì bắt đầu ra quân xử phạt. Ban đầu người dân sẽ sốc, nhưng sẽ quen dần vì ai cũng bị phạt như nhau, không phân biệt thì sẽ thành nề nếp trong xã hội. “Có như vậy thì cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi đường mới căn cơ và hiệu quả. Các quận, huyện phải kiên trì thực hiện các biện pháp như vậy thì mới mong vỉa hè thông thoáng, khuyến khích người dân đi bộ, đi xe buýt thay cho xe cá nhân” – TS Hòa khẳng định. |
Nguồn: tuoitre.vn