Đặc điểm địa lý và lịch sử phát triển của tộc người S’tiêng ở vùng đất huyền thoại miền Đông Nam bộ (Nam Đông Dương) đã sản sinh ra sự đa dạng loại hình di sản tiêu biểu như: Lễ hội, phong tục, tập quán, luật tục, tín ngưỡng, văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng, dân ca dân vũ, văn hóa cồng chiêng… Không gian văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng không chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Phước mà trải rộng hơn. Văn hóa cồng chiêng không chỉ là di sản văn hóa vật thể mà còn thể hiện giá trị tinh thần, sức mạnh, là sự sáng tạo nghệ thuật của cộng đồng người S’tiêng từ truyền thống đến hiện đại. Nội dung bài viết sẽ làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng. Đồng thời, góp phần làm lan tỏa đặc trưng văn hóa của cư dân bản địa tại Bình Phước, hướng tới hội nghị văn hóa toàn quốc.
NGUỒN GỐC VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG
Không gian văn hóa cồng chiêng
Văn hóa cồng chiêng tồn tại, phát triển gắn liền với không gian cư trú của tộc người S’tiêng. Đến nay, những tài liệu nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng Bình Phước còn quá ít ỏi, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa giai điệu, tiết tấu, sức mạnh, giá trị vật chất và tinh thần của văn hóa cồng chiêng. Trong quá khứ, không gian cư trú của người S’tiêng tương đối rộng lớn, từ các cao nguyên ở Nam Tây nguyên trải dài xuống phía Tây và Tây Nam của Bình Phước khá đa dạng, phức tạp. Điều kiện môi sinh là rừng già, thú dữ, hệ sinh thái phong phú, đa dạng hình thành nên văn hóa mưu sinh, văn hóa ứng xử với tự nhiên và xã hội, tạo nên văn hóa đặc trưng của người S’tiêng, tiền đề cho sự sáng tạo văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng.
Truyền thuyết của người S’tiêng có mô tả không gian cư trú của người S’tiêng được trải dài từ núi Bà Rá (TX. Phước Long) đến núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Một số công trình nghiên cứu còn cho rằng địa bàn cư trú của người S’tiêng rộng hơn so với truyền thuyết, tức không chỉ địa bàn Bình Phước, Tây Ninh, dọc biên giới Campuchia, Đồng Nai, Lâm Đồng mà đến tận ven sông Tiền Giang (Nguyễn Đình Đầu, 1991, tr.147). Tác giả Nguyễn Đình Đầu cho rằng, đến “đầu thế kỷ 18, người S’tiêng vẫn còn sinh sống ở Sài Gòn, Bình Dương dần dần họ mới thiên cư dần về phía Bắc” (tr.147-148). Tác giả Phan Xuân Biên cũng nêu rằng: “địa bàn cư trú xưa kia của tổ tiên người Mạ, S’tiêng, Chơro… rất gần biển, có thể là vùng hạ lưu sông Đồng Nai” (Phan Xuân Biên, 2004, tr.310). Điều này cũng phù hợp với nhận xét của Jacques Dournes, ông cho rằng: “Người Tây nguyên trước đây chỉ là một, họ từng sống ở ven biển, họ có một thứ ngôn ngữ” (Jacques Dournes, 1950, tr.35).
Người S’tiêng Bà Rá, Phước Long sinh hoạt văn hóa đầu thế kỷ XX – Nguồn: www.delcampe.net
Những tài liệu đề cập rõ nhất về không gian văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng có lẽ là những ghi chép trong Quốc sử quán triều Nguyễn đời Minh Mạng thứ 19 (1838), Quốc sử đã mô tả những sinh hoạt kinh tế, văn hóa các “thổ dân” vùng Bắc trấn Biên (trong đó có Bình Phước ngày nay) rằng: “Người thổ dân thì không biết chữ, đốt rẫy làm ăn, gác sàn mà ở, không nhớ ngày tháng. Khi gặt hái xong thì hội họp ăn uống, đánh trống, đánh chiêng cùng nhau vui thích, gọi là ngày tết” (Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006, tr.48).
Một trong những tài liệu khác được xem là rất quan trọng đề cập đến không gian văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng chính là những mô tả của tác giả Lưu Ty (Non nước Phước Long, 1972, tr.46-47) về sự kiện đất sụp Bunard (Bù Na) mà chúng tôi đã khảo sát và đã có bài viết đăng trên Báo Bình Phước ngày 23-6-2020. Tác giả Luu Ty mô tả rằng (theo lời kể của thổ dân): Vào “đầu thế kỷ XX” thổ dân quanh vùng núi Bà Rá nhờ mưa thuận gió hòa nên được mùa gấp bội. Sau vụ thu hoạch lúa, đại diện các làng (poh) người S’tiêng họp lại để làm lễ cúng tạ ơn trời đất (lễ An nhàn). Bù Na được chọn làm nơi diễn ra lễ tạ ơn, đã tập trung hơn 30 làng về làm lễ, họ mang theo gà, vịt, trâu, dê và những ché rượu cần. Trong một không gian náo nhiệt giữa núi rừng hùng vĩ, ban đêm những đám lửa mập mờ được đốt lên, họ nhảy nhót, ca hát, vui đùa từ ngày này qua ngày khác, những gia súc đem theo cứ lần lượt đem ra mổ, xẻ. Tiếng rên la thảm thiết của muông thú, tiếng ca hát vui mừng, xen lẫn tiếng cồng chiêng đã làm khu rừng Bù Na trở nên huyên náo, bất thường. Đến ngày thứ 4 của cuộc lễ, giữa lúc mọi người đang say sưa rượu, thịt thì thình lình mặt đất chuyển động, trời đất bắt đầu sẫm tối, mây đen che phủ, sau đó là tiếng nổ long trời, chỉ trong chớp mắt, mặt đất nơi này bỗng nhiên sụp xuống (A dơr lôh teh) chôn vùi hàng ngàn người dự lễ dưới hố sâu, không một ai sống sót.
Nguồn gốc xuất xứ của cồng chiêng người S’tiêng
Cồng chiêng của người S’tiêng có từ bao giờ vẫn luôn là câu hỏi chưa ai lý giải rõ, chỉ biết rằng cồng chiêng đã tồn tại lâu đời, đồng hành với lịch sử phát triển của tộc người S’tiêng. Dựa vào sự mô tả cảnh sinh hoạt văn hóa và không gian cư trú của người S’tiêng, có thể khẳng định rằng, cồng chiêng đã sớm xuất hiện trong văn hóa của người S’tiêng. Nghiên cứu sâu hơn về cồng chiêng các dân tộc Tây nguyên, giáo sư người Philippinse J. Maxêda nhận xét: “Dãy Trường Sơn có thể xem như chính là cái nôi sản sinh và truyền bá toàn khu vực Đông Nam Á nền văn hóa âm nhạc độc đáo của cồng chiêng” (Vũ Hồng Thịnh và Bùi Lẫm, 1995, tr.287). Tác giả Ngô Đức Thịnh và Tô Đông Hải khi nghiên cứu văn hóa Tây nguyên đã đặt ra câu hỏi: “phải chăng cồng chiêng có nguồn gốc từ đàn đá” và các tác giả cho rằng: “cồng chiêng là sự phát triển và biến thể của đàn đá, tuy chất liệu, kỹ thuật chế tác và cách sử dụng có khác nhau” (Ngô Đức Thịnh, 2007, tr.54). Nội dung này, chúng tôi còn băn khoăn, vì đàn Dinh Dut (giống đàn chapi) của người S’tiêng cũng có tiết tấu với cồng chiêng, nhưng chưa ai chứng minh được Dinh Dut mô phỏng theo điệu của cồng chiêng hay ngược lại. Các tác giả còn đưa ra vấn đề: “ở Tây nguyên là nơi tìm được nhiều bộ đàn đá và cũng là nơi còn sử dụng phổ biến nhạc cụ cồng chiêng” (Ngô Đức Thịnh, 2007, tr.54).
Nói về nguồn gốc xuất xứ, các tác giả còn cho rằng: “Tây nguyên và vùng lân cận là nơi làm ra và sử dụng đàn đá, nơi sử dụng nhạc cụ cồng chiêng chứ không phải là nơi làm ra cồng chiêng, mà cồng chiêng Tây nguyên đều do người Việt, người Lào và người Khmer chế tác, vì ở Tây nguyên chưa trải qua đúc kim khí, người Tây nguyên mua cồng chiêng của người Việt, Lào và Khmer sau đó về thỉnh âm lại theo truyền thống của mình” (Ngô Đức Thịnh, 2007, tr.54). Nội dung này, chúng tôi đồng ý một phần, đúng ở chỗ là “ở Tây nguyên chưa trải qua đúc kim khí” nên Tây nguyên không phải là nơi sản xuất ra cồng chiêng. Nhưng điều này không có nghĩa là “cồng chiêng của người Tây nguyên chủ yếu mua của người Việt, Lào và Khmer”.
Để lý giải điều này, chúng ta cần xem xét các yếu tố: Chủ thể văn hóa, không gian văn hóa và lịch sử văn hóa của Tây nguyên. Chủ thể văn hóa Tây nguyên bao gồm cả nhóm tộc người Môn – Khmer và nhóm tộc người Nam Đảo (Êđê, Jrai) nên sản phẩm văn hóa (nhạc cụ cồng chiêng) không hoàn toàn là của người Việt, Lào và Khmer. Năm 2003, khi đi nghiên cứu chính sách dân tộc thiểu số tại Philippines, chúng tôi được đón tiếp rất chu đáo, vừa thưởng thức giai điệu nhạc cồng vừa được tặng chuỗi hạt cườm ngay tại trụ sở của cơ quan phụ trách về dân tộc thiểu số tại thủ đô Manila, một nghi thức không khác gì nghi lễ trong xã hội truyền thống của các tộc người Tây nguyên và người S’tiêng ở Bình Phước. Năm 2009, khi đi nghiên cứu chính sách dân tộc thiểu số tại Myanmar, chúng tôi cũng được biết cộng đồng người Mon (nhóm Môn – Khmer) cũng sử dụng chiêng.
Xét về không gian văn hóa và lịch sử văn hóa tộc người thì Tây nguyên là một vùng văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam, bởi Việt Nam là một quốc gia được xem như là Đông Nam Á thu nhỏ, vì những đặc trưng về điều kiện tự nhiên (rừng, núi, đồng bằng, biển, sông), khí hậu và văn hóa tộc người (nhiều văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo). Một số tộc người Tây nguyên (nhóm Nam Đảo) trong quá trình “thiên cư” lên vùng đất Tây nguyên, có thể họ đã mang theo nhạc cụ cồng chiêng. Vì vậy, sản phẩm nhạc cụ cồng chiêng ở Tây nguyên không hoàn toàn là của người Việt, Lào và Khmer. Nếu xét về mặt lịch sử thì cực Bắc của Đông Nam Á cổ đại chính là bờ Nam sông Dương Tử (sông Trường Giang của Trung Quốc) nên nguồn gốc xuất xứ của nhạc cụ cồng chiêng còn phải xem xét rộng hơn Đông Nam Á ngày nay.
Theo Báo Bình Phước