Theo ngôn ngữ và văn hóa người S’tiêng thì từ Bu lơ và Bu dêh có những ý nghĩa khác nhau (chữ B không phát âm như chữ B trong tiếng Việt). Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng ít ai hiểu và phân tích chính xác. Không ít tác giả nhận diện văn hóa, định vị từng nhánh S’tiêng chưa đúng nên khi nhận xét, đánh giá về văn hóa – xã hội từng nhánh người S’tiêng chưa đầy đủ.

CẦN HIỂU ĐÚNG NGHĨA BU LƠ VÀ BU DÊH

Nêu bật vị trí địa lý

Bu lơ, trước hết là từ để chỉ tộc người thiểu số nói chung, phân biệt với tộc người Kinh (Yuôn). Ví dụ: Bu lơ S’tiêng, Bu lơ Mnông, Bu lơ Ê đê, Bu lơ Srai… có nghĩa là tộc người S’tiêng, tộc người Mnông, tộc người Ê đê, tộc người Khmer. Bu lơ: do 2 từ (Bu và lơ) ghép lại, trong đó từ “Bu” có nghĩa là cộng đồng tộc người, “lơ” là địa danh ở vùng trên nói chung, không gian cư trú của cộng đồng tộc người. Từ Bu còn có nghĩa để chỉ một dòng tộc S’tiêng nào đó trong một làng (ví dụ: dòng tộc người S’tiêng Bu Dru, Bu Krwai ở xã Long Giang; dòng tộc người S’tiêng Bu Sal, Bu N’hal ở xã Đa Kia…). Ngoài từ Bu, người S’tiêng còn dùng từ Bơl để chỉ một cộng đồng tộc người hoặc một nhóm cộng đồng tộc người thiểu số như: Bơl S’tiêng, Bơl Mnông, Bơl Êđê, Bơl Srai, Bơl Chin, Bơl Pơrăng… có nghĩa là người S’tiêng, Mnông, Êđê, Khmer, Trung Quốc, Pháp. Như vậy, Bu lơ là từ để chỉ một hay nhiều cộng đồng tộc người nào đó cư trú ở vùng trên, có thể trong một không gian nhỏ (một xã) hoặc một không gian rộng lớn (một huyện như: Bu Ja Mâp, Bu Dôk; hoặc một tỉnh như Phước Long trước đây).

Dân ca S’tiêng luôn được các nghệ nhân gìn giữ và phát huy. Trong ảnh: Đồng bào S’tiêng biểu diễn tại không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số TX. Bình Long – Ảnh: Trang Hương

Về nguyên tắc, thì người S’tiêng cư trú ở vùng dưới (Bu dêh) gọi người S’tiêng cư trú ở vùng trên là Bu lơ, là đúng (chính xác hơn gọi là Bơl boong lơ, những người vùng trên). Và ngược lại, người S’tiêng cư trú ở vùng trên gọi người S’tiêng cư trú ở vùng dưới là Bu dêh (Bơl boong dêh).

Từ Bu dêh cũng vậy, do 2 từ (Bu và dêh) ghép lại để chỉ tộc người sinh sống ở vùng dưới, phân biệt với cộng đồng tộc người vùng trên (Bu lơ). Trong đó, từ Bu là từ có thể để chỉ một cộng đồng tộc người, hoặc nhiều cộng đồng tộc người. Dêh là địa danh, không gian cư trú ở vùng dưới, không gian này có thể nhỏ (một xã) hoặc một không gian rộng lớn (một huyện, một tỉnh Bình Long trước đây).

Vì vậy, người S’tiêng ở Bù Đăng gọi người S’tiêng TX. Phước Long, Phú Riềng, Bù Đốp, Lộc Ninh, TX. Bình Long, Hớn Quản, Đồng Phú, Chơn Thành là Bu dêh. Người S’tiêng huyện Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Phú Nghĩa, Đức Hạnh, Phú Văn) gọi người S’tiêng TX. Phước Long, Phú Riềng, Bù Đốp, Lộc Ninh, TX. Bình Long, Hớn Quản, Đồng Phú cũng là Bu dêh. Người S’tiêng TX. Phước Long gọi người S’tiêng Phú Riềng, Bù Đốp, TX. Bình Long, Hớn Quản, Đồng Phú cũng là Bu dêh và ngược lại.

Như vậy, cứ ai cư trú ở vùng thấp hơn mình thì mình gọi họ là Bu dêh và ngược lại, ai cư trú ở vùng cao hơn mình thì gọi họ là Bu lơ. Khi còn tỉnh Phước Long, người S’tiêng thuộc huyện Phú Riềng ngày nay trở xuống đến các địa phương Bù Đốp, Lộc Ninh, TX. Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú đều gọi là Bu dêh. Ngược lại, những người S’tiêng ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, TX. Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài gọi người S’tiêng vùng huyện Phú Riềng, Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng là Bu lơ.

Theo sự phân tích này, nếu chia theo phạm vi rộng thì người S’tiêng tỉnh Phước Long trước đây (các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, TX. Phước Long, Phú Riềng, Đồng Phú, Đồng Xoài) gọi người S’tiêng tỉnh Bình Long (cũ) là Bu dêh và ngược lại. Theo phạm vi hẹp, người S’tiêng trong cùng 1 huyện, thậm chí trong cùng 1 xã cũng có thể gọi nhau là Bu dêh và Bu lơ nếu không gian cư trú rộng, có địa hình cao thấp.

Nhánh S’tiêng trung gian (vùng lõi)

Người S’tiêng sinh sống quanh núi Bà Rá (vùng trung gian) tự gọi mình là Bơl Jâng Brah (S’tiêng chân núi Bà Rá). Người S’tiêng chân núi Bà Rá gọi người S’tiêng khu vực khác bằng những tên gọi khác nhau như: gọi người S’tiêng khu vực xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng là Bu Đar (Bu Na); gọi người S’tiêng thuộc xã Phước Tân, huyện Phú Riềng là Bơl Teh boh chứ không gọi là Bu dêh hay Bu lơ; gọi người S’tiêng ven sông Đồng Nai là Bơl Dak Dơng; gọi người S’tiêng thuộc các xã Đức Hạnh, Phú Nghĩa thuộc huyện Bù Gia Mập là Bơl Mak Dak (người bên kia sông Bé) hoặc gọi theo tên làng của họ; gọi người S’tiêng ở xã Đắk Ơ, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và phần lớn huyện Bù Đăng ngày nay là Bu lơ và gọi người S’tiêng ở khu vực Đồng Xoài, Bù Đốp là Bu dêh.

Như vậy, khi đề cập đến Bu lơ và Bu dêh, trước hết đó là từ chỉ các nhánh tộc người S’tiêng, không phải là tên gọi khác của người S’tiêng. Giữa các nhánh này có những đặc điểm khác nhau tương đối về ngôn ngữ, phong tục. Việc chia nhánh tộc người S’tiêng cần dựa vào đặc điểm không gian cư trú (địa hình: cao, thấp, trên, dưới), sau đó dựa vào ngôn ngữ, phong tục hôn nhân và gia đình, những sinh hoạt văn hóa khác để nhận diện, định vị chia nhánh. Trong đó yếu tố ngôn ngữ, phong tục trong hôn nhân là yếu tố quan trọng nhận diện, định vị chia nhánh. Nếu người nghiên cứu không am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, không khảo sát nhiều địa phương thì khi định vị các nhánh người S’tiêng rất dễ bị sai lầm. Do đó, việc chia tộc người S’tiêng thành 4 nhánh: Bu lơ, Bu dêh, Bu biêt, Bu lach (Bu las), hay chia thành 3 nhánh: Bu lơ, Bu dêh, Bu biêt hoặc thành 2 nhánh: Bu lơ và Bu dêh chỉ mang tính tương đối. Nếu chia theo địa danh thì người S’tiêng còn có những nhánh khác như: Bù Đốp (Bu Dôk), Bù Đăng (Bu Đăng), Bù Gia Mập (Bu Ja Mâp)…

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : S’tiêng

Các tin liên quan đến bài viết