Ngày 8-4, phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới… Phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng để thành công trong nông nghiệp cần sự hiện diện, liên kết không chỉ “4 nhà” gồm nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học như trước đây, mà phải là “5 nhà” – gồm thêm “nhà băng”. Và ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhanh chóng gỡ bỏ bớt các thủ tục, yêu cầu đối với doanh nghiệp khi vay vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Với một tỉnh được định hướng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao và khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của địa phương như Bình Phước, những chỉ đạo này của Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Bình Phước là một trong những địa phương giàu tiềm năng sản xuất – kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, một trong những khó khăn được nêu lên nhiều nhất trong lĩnh vực ấy ở Bình Phước thời gian qua là thiếu vốn đầu tư, cả đối với nhà nông và doanh nghiệp. Đặc thù của tỉnh chủ yếu trồng cây công nghiệp, chăn nuôi cũng hướng tới mô hình công nghiệp tập trung, vì thế vốn đầu tư rất lớn, trong khi nông dân ở Bình Phước còn nhiều khó khăn. Vấn đề này đã được phản ánh nhiều tại các kỳ tiếp xúc cử tri, hội thảo, hội nghị… nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải. Đối với doanh nghiệp, không những ít kinh nghiệm mà năng lực tài chính cũng yếu hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng… Thậm chí, vốn đầu tư đang là vấn đề “sống còn” đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Bình Phước.
Có thể thấy, chưa bao giờ nông nghiệp lại lôi cuốn doanh nghiệp đến như vậy và cũng chưa bao giờ doanh nghiệp có vai trò lớn như thế trong phát triển nền nông nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn và sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang trở thành một thị trường to lớn của tín dụng ngân hàng. Thế nhưng cho đến nay, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp – nông thôn vẫn còn rất nhiều bất cập. Điển hình như hình thức cho vay hiện chủ yếu theo kiểu “mì ăn liền”, vay theo “mùa vụ” bằng hợp đồng ngắn hạn nên hỗ trợ chưa hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, cho vay theo hình thức thế chấp tài sản với chủ yếu là quyền sử dụng đất cũng khó vay được số tiền lớn…
Chính vì vậy, tăng cường nguồn lực tài chính ngân hàng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn, liên kết sản xuất với nông dân theo mô hình chuỗi giá trị… là giải pháp cả nhà nông và nhà doanh nghiệp tìm kiếm bấy lâu. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-4 chính là gỡ nút thắt quan trọng nhất để giải pháp này trở thành hiện thực. Trước mắt, hy vọng Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng sao cho hiệu quả để doanh nghiệp ở Bình Phước cũng như các địa phương khác nhanh chóng tiếp cận được gần 80 ngàn tỷ đồng còn lại trong số 100 ngàn tỷ đồng của gói tín dụng cho vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp đã triển khai nhiều tháng qua.
Nguồn: BPO