Vợ chồng tôi có con trai còn nhỏ. Tôi nghe nói có văcxin chống virút gây ung thư ‘của quý’ cho con trai. Tôi muốn hỏi nó có tác dụng thật sự không, tác dụng phụ gì cần lưu ý và có thể chích cho con lúc nào? Minh Quân (minhquantb@…)
Chương trình tiêm văcxin HPV (Human Papillomavirút – Virút gây u nhú ở người) đang được ứng dụng tại rất nhiều nước. Tuy nhiên, nhiều người dân và cả nhân viên y tế vẫn còn nghi ngờ về tác dụng thật sự của loại văcxin này.
HPV (Human Papillomavirút – Virút gây u nhú ở người) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung và một số các bệnh ung thư khác ở cả nam và nữ như ung thư âm hộ – âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật.
Việc lây nhiễm virút HPV rất phổ biến ở những người có quan hệ tình dục không an toàn. 9/10 người đều có thể đã bị lây nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó.
HPV có khoảng vài trăm týp và các nhà khoa học đã xác định được những týp hay gây bệnh ung thư ở người là 6, 11, 18, 31, 33, 45, 52, 58.
Và đồng thời với việc xác định những týp gây ung thư này, các nhà khoa học cũng nghiên cứu được văcxin tương ứng.
– Gradasil: thử nghiệm trên 29.000 người và chống được 4 týp HPV 6, 11, 16, 18. FDA cấp phép năm 2006.
– Gradasil 9 : thử nghiệm trên 15.000 người, chống được tới 8 chủng HPV: 6, 11, 16, 31, 33, 45, 52, 58. FDA cấp giấy phép năm 2014.
Những tác dụng phụ có thể có của hai loại văcxin này là sưng tấy tại chỗ tiêm, đau đầu chóng mặt, sốt, buồn nôn và nôn và một vài trường hợp rất hiếm là ngất cũng như dị ứng văcxin.
FDA khuyến cáo nên tiêm văcxin HPV vào độ tuổi trước 26 đối với nữ và trước 21 đối với nam. Với những trường hợp có quan hệ đồng tính nam hoặc chuyển giới thì nên tiêm văcxin HPV trước 26 tuổi.
Việc sử dụng văcxin HPV đã được chứng minh là có hiệu quả lên đến ít nhất 97% việc phòng chống các bệnh ung thư liên quan đến HPV (theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Havard).
Ngoài ra, một nghiên cứu nữa cho thấy, trong thời gian văcxin HPV đã được chứng minh có tác dụng từ năm 2009 – 2015, số lượng phụ nữ lây nhiễm HPV từ 18 – 59 tuổi giảm hơn 32% và từ 18 – 26 tuổi giảm hơn 65% so với mức ban đầu.
Trong bản báo cao mới nhất của WHO vào tháng 6-2017 đã cho thấy hơn 270 triệu liều văcxin HPV được phân phối và không ghi nhận bất cứ bất thường nào về sản phụ khoa hay sốc phản vệ liên quan trực tiếp đến hai loại văcxin HPV.
Nguồn: tuoitre.vn