Vắc xin của Pfizer/BioNTech có giá đắt và khó bảo quản nhưng lại thành công hơn. Nguyên nhân nhờ nhiều yếu tố kết hợp giữa may mắn và quyết định sáng suốt.

Vắc xin Pfizer thắng lớn nhờ đâu? - Ảnh 1.

Ngày 16-3, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga được tiêm liều vắc xin Pfizer/BioNTech đầu tiên ở Tokyo 

Vắc xin của Pfizer/BioNTech đang chiếm lĩnh các chiến dịch tiêm chủng ở Liên minh châu Âu (EU) và là mũi nhọn trong tiêm chủng ở Mỹ và Anh.

So với các loại vắc xin khác, vắc xin này có nhiều ưu điểm hơn như đạt hiệu quả cao, cung ứng hàng nhanh chóng, dễ sản xuất hàng loạt và ít chịu búa rìu dư luận hơn.

Gã khổng lồ bắt tay với công ty con

Ngày 9-4-2020, tức những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, Tập đoàn Pfizer ở New York (gã khổng lồ trong ngành dược phẩm Mỹ) cùng Công ty công nghệ sinh học BioNTech (một công ty nhỏ ở Mainz – Đức) bắt tay nhau phát triển vắc xin ngừa COVID-19.

Pfizer/BioNTech đặt cược vào công nghệ ARN thông tin (mRNA) vốn là công nghệ tiên tiến chưa từng được sử dụng trên thực tế. Họ cam kết sẽ “cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin trong năm 2021”.

Lúc bấy giờ phần lớn châu Âu đang trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt và đại dịch đang hoành hành như chỗ không người ở Mỹ.

Bảy tháng sau, Pfizer công bố vắc xin COVID-19 đạt hiệu quả hơn 90% trong thử nghiệm. Sau đó, hiệu quả tiếp tục được xác nhận trong điều kiện thực tế như chiến dịch tiêm chủng vắc xin ở Israel.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tháng 3-2021 BioNTech đã cam kết sẽ sản xuất 2,5 tỉ liều vắc xin cho năm nay, nhiều hơn 1/4 so với dự kiến.

Công nhân làm như điên

Pfizer đặt cược và đã thắng trong cuộc đua vắc xin COVID-19 nhưng không tránh khỏi bị chỉ trích ham hố tăng năng suất và lợi nhuận.

Tháng 11-2020, nhiều ý kiến lo ngại khi tổng giám đốc Albert Bourla bán ra hàng triệu USD cổ phiếu Pfizer ngay sau khi kết quả thử nghiệm vắc xin được công bố đạt hiệu quả.

Đến tháng 1-2021, Pfizer lại gây lo ngại khi thông báo lọ vắc xin chứa 6 liều chứ không phải 5 liều.

Ở châu Âu và Mỹ, các nhân viên y tế e ngại không đủ ống tiêm để bơm liều cuối cùng trong lọ thuốc.

Hai tháng sau, tranh cãi đã bị lãng quên. Trả lời AFP, Bộ Y tế của Pháp và của Mỹ cho biết không có gì khó khăn liên quan đến vấn đề cung cấp bổ sung ống tiêm.

Về mặt xã hội, Pfizer cũng đã thoát thân an toàn dù các nhà máy hoạt động bất chấp giờ giấc.

Anh Patrick Coppens – đại diện Tổng liên đoàn Lao động Bỉ ở Brussels (ABVV) – cho biết tại nhà máy của Pfizer ở Puurs (Bỉ), công nhân phân xưởng COVID-19 làm việc 7/7, 24/24 với mức lương không đủ.

Anh cảnh báo: “Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã sức cùng lực tận vì làm việc như thế cả năm nay. Chuyện này không thể tiếp tục được nữa”. Dù vậy, công đoàn kêu gọi mọi người không đình công bởi đại dịch vẫn còn đó.

Vắc xin Pfizer thắng lớn nhờ đâu? - Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden thăm nhà máy sản xuất vắc xin của Pfizer/BioNTech ở Kalamazoo (bang Michigan) ngày 19-2 

Giá đắt hơn, bù lại ít tai tiếng hơn

Một vấn đề nhạy cảm khác là Pfizer bán vắc xin với giá đắt hơn.

Theo tài liệu được bà Eva de Bleeker – quốc vụ khanh ngân sách Bỉ, vô tình tiết lộ là EU mua vắc xin Pfizer/BioNTech với giá đắt chỉ sau vắc xin của Moderna.

Vắc xin Pfizer/BioNTech có giá hàng chục euro mỗi liều trong khi Công ty AstraZeneca (Anh) bán vắc xin chưa tới 2 euro và cam kết không thu lợi nhuận khi nào còn đại dịch.

Chuyên gia y tế Adam Barker tại Công ty quản lý vốn Shore Capital (Anh) nhận xét Pfizer và Moderna biết rất rõ vắc xin của họ chỉ có thể được sử dụng ở các nước phát triển vì khó bảo quản và phân phối nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi hơn kể cả khi đại dịch kết thúc.

AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford phát triển vắc xin có giá rẻ hơn và dễ bảo quản hơn vì sử dụng công nghệ truyền thống vector virus, như vậy có thể sẽ vượt qua Pfizer với hàng trăm triệu liều đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ.

Dù vậy, vắc xin AstraZeneca đang gánh chịu mũi dùi dư luận vì bị nghi ngờ liên quan đến các ca máu đông hiếm xảy ra. Một số nước như Pháp, Anh đã cấm tiêm vắc xin này cho người trẻ tuổi.

AstraZeneca còn lằng nhằng với EU về chuyện giao hàng chậm trễ. Đầu năm 2021, Pfizer đã từng giao hàng chậm do nhà máy ở Bỉ tăng công suất. Đến khi Pfizer khắc phục tiến độ, EU đã lấy Pfizer làm gương điển hình để đổ lỗi cho AstraZeneca.

Làm ăn phải biết hợp tác

Nói tóm lại, quá trình hợp tác giữa Pfizer và BioNTech là một trong những yếu tố quan trọng đạt đến thành công.

BioNTech tận dụng khả năng của Pfizer để từ đó gia tăng khả năng sản xuất vắc xin nhiều hơn cả Moderna vốn sử dụng mạng lưới nhà thầu phụ truyền thống.

Nhưng lựa chọn quan trọng nhất là cơ sở của mọi vấn đề là đặt cược vào công nghệ ARN thông tin.

Công nghệ hứa hẹn này từng được sử dụng để phát triển vắc xin động vật nhưng không có gì bảo đảm khi phát triển vắc xin dùng cho con người, ấy vậy mà Pfizer vẫn lao vào.

Chuyên gia y tế Dan Mahony ở quỹ quản lý đầu tư Polar Capital (Anh) nhìn nhận: “Thường thì thứ gì trông tuyệt vời trong phòng thí nghiệm sẽ không hoạt động tốt trên thực tế. Nhưng vắc xin đã hoạt động tốt hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ”.

Đầu năm nay Pfizer ước tính vắc xin COVID-19 sẽ mang lại cho họ 18 tỉ USD trong năm 2021, một con số khổng lồ so với 48 tỉ USD doanh thu hồi năm ngoái.

Vắc xin Pfizer thắng lớn nhờ đâu? - Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 của Pfizer ở Puurs (Bỉ) 

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : BioNtECHChiến dịch tiêm chủngCông nghệ ARNPfizervắc xin covid-19

Các tin liên quan đến bài viết