Trong kiến nghị của mình, cử tri tỉnh Bình Định đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao hủy bỏ một số quy định liên quan đến việc thi tuyển công chức vào ngành Tòa án.
Cử tri đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao hủy quy định gì?
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ký văn bản, gửi tới đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định về việc trả lời kiến nghị của cử tri.
Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến ngày 18/12/2020.
Kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định có nội dung:
“Tòa án nhân dân Tối cao quy định người tham gia thi tuyển công chức vào ngành Tòa án phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án, hoặc nghiệp vụ Tòa án chuyên ngành xét xử, hoặc nghiệp vụ xét xử là chưa phù hợp.
Vì quy định các điều kiện như trên thì sinh viên mới ra trường sẽ không đủ điều kiện để tham gia thi tuyển vào ngành Tòa án.
Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao xem xét bỏ các quy định nêu trên”.
Theo văn bản trả lời cử tri tỉnh Bình Định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc thực hiện các quy định tuyển dụng công chức vào ngành Tòa án là đúng quy định của pháp luật.
Về nội dung kiến nghị trên, Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, tại các kỳ họp của Quốc hội, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án luôn giành được sự quan tâm của các đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội.
Tòa án nhân dân Tối cao đã đề ra nhiều giải pháp từ tuyển dụng đầu vào, đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tập huấn trực tuyến định kỳ hàng tháng, thi tuyển chọn lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp đã và đang đặt ra hiện nay.
Quy định tuyển dụng đúng pháp luật
Theo Tòa án nhân dân Tối cao, tại Điều 4, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức đã quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các kỳ tuyển dụng đã thu hút được nhiều thí sinh tốt nghiệp từ nhiều trường đại học, đủ điều kiện và tiêu chuẩn tham dự thi và đã lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng cho ngành. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm, nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.
Căn cứ quy định này cũng như yêu cầu về việc nâng cao chất lượng đầu vào, nhu cầu của Tòa án nhân dân, đáp ứng được yêu cầu của vị trí dự tuyển, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức nhiều kỳ tuyển dụng.
Như việc xét tuyển sinh viên các trường đại học nước ngoài, hoặc thạc sỹ tốt nghiệp loại giỏi cho các Vụ Giám đốc kiểm tra của Tòa án nhân dân Tối cao;
Tổ chức thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cho các Tòa án nhân dân Tối cao (nhằm kịp thời cung cấp nguồn nhân sự chất lượng, hõ trợ cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm đang bị quá tải của Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Cấp cao).
Hoặc, tổ chức thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật trở lên nhưng đã được đào tạo nghiệp vụ Tòa án, nghiệp vụ xét xử cho Tòa án nhân dân địa phương, nhằm bổ sung lực lượng Thư ký viên không cần phải qua đào tạo lại, để kịp thời hỗ trợ công tác xét xử, trong bối cảnh Covid-19 đã tác động lớn đến công tác ngành Tòa án, nhiều địa phương phải tạm dừng nhận đơn khởi kiện và tiếp công dân, nhiều phiên tòa phải dừng xét xử.
Các kỳ tuyển dụng đã thu hút được nhiều thí sinh tốt nghiệp từ nhiều trường đại học, đủ điều kiện và tiêu chuẩn tham dự thi.
Kết quả đã lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, góp phần không nhỏ vào kết quả công tác của ngành Tòa án nhân dân, đặc biệt là trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Có thể nói, việc thực hiện các quy định tuyển dụng nêu trên là đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tòa án.
Theo Dân Trí