Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, hôm nay (16-6), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể liên quan đến vụ Hồ Duy Hải.
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 15-6, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết vụ án Hồ Duy Hải xảy ra từ năm 2008. Trải qua quá trình tố tụng, nhiều cấp đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét về vụ này.
Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, bây giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không.
Sau khi tóm tắt vụ án, ông Bình trình bày một loạt chứng cứ để chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội, trong đó có việc Hải mô tả chính xác những đồ vật có tại hiện trường, trong phòng của nạn nhân.
“Nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể mô tả được. Bưu điện là nơi công cộng, bên ngoài ai cũng có thể biết, nhưng trong phòng ngủ thì không có mặt trong hiện trường là không biết” – ông Bình nói.
Chánh án TAND tối cao cũng dẫn giải nhiều diễn biến hành vi do Hải khai “có sự phù hợp với kết quả giám định”, cũng như việc Hải nhận diện được con dao, cái thớt hôm gây án thông qua dao, thớt là vật thay thế được mua ngoài chợ vì không thu thập được vật thật ở hiện trường.
“Còn nhiều chứng cứ khác không thể cùng thời gian ngắn thế này nói hết được. Rất nhiều nội dung khác, nếu đại biểu nào quan tâm chúng tôi sẵn sàng phục vụ, trao đổi thông tin” – ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho biết Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội. Lời khai nhận tội đầu tiên do Hải tự viết ra khá chi tiết, chứ không phải là bản cung. Ở những thời điểm quan trọng như khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, khi nhận cáo trạng và khi gửi đơn cho Chủ tịch nước, Hải đều thừa nhận tội, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (gọi tắt là Hội đồng thẩm phán) có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng thẩm phán không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị, chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng thẩm phán phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Nhiệm kỳ trước, Quốc hội cũng đã giám sát một số vụ án, trong đó có vụ Hồ Duy Hải. Ủy ban Tư pháp đã có văn bản kiến nghị nêu một số nội dung về vụ án này.
Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên y án tử hình Hồ Duy Hải, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng khẳng định Viện KSND tối cao đã kháng nghị đúng pháp luật vụ Hồ Duy Hải.
Nguồn: tuoitre.vn