Bao giờ con trẻ được đến trường? Bao giờ những chuyến xe buýt được chở đầy người, dòng người được xuống lên, vào ra bến xe liên tỉnh? F0 vẫn đang tăng, có bao giờ bạn nghĩ nên nhường quyền ra đường cho người cần được đi hơn mình?

Ưu tiên làm ăn hơn tụ tập vui chơi - Ảnh 1.

Xe buýt số 14 (từ bến xe Miền Đông – bến xe Miền Tây) hoạt động trở lại, vẫn hạn chế số khách do phòng dịch 

1. Tôi và cô cháu gái học lớp 2 thường gọi video hằng ngày cho nhau để xóa nhòa khoảng cách 1.000 cây số mà từ tháng 5 đến giờ chưa thể rút ngắn được. Tháng 9, câu hỏi thường trực của em bé 8 tuổi là bao giờ thì con được đi học lại? Nỗi nhớ trường lớp và bạn bè khó lòng xoa dịu qua cái màn hình máy tính.

Rồi khi tỉnh Quảng Nam cho phép trẻ con được đến trường, nhiều trường vẫn tuân thủ yêu cầu phòng dịch với lịch học một buổi, chia theo khối lớp nhưng thoát khỏi cảnh học online là niềm vui khôn xiết của lũ trẻ.

Trong khi đó bao người mẹ gửi con ở quê nửa năm chưa thể về thăm, và hàng chục triệu trẻ vẫn chưa biết ngày nào trở lại trường lớp.

Ai cũng có nhu cầu được đi, được gặp gỡ, được ra nơi công cộng vận động và giải trí. Tuy nhiên, nhiều trường học vừa mở cửa đã lại phải quay về học trực tuyến vì có một vài ca dương tính. Trẻ con đi học với nỗi thấp thỏm của nhà trường và phụ huynh.

Nhưng quay về nhà lại đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về mắt, tâm lý do thiếu sự tương tác trực tiếp hay được vận động, vui chơi như nhu cầu cơ bản vốn dĩ phải có. Chưa kể, việc học trực tuyến kéo dài khiến khó giảm thói nghiện Internet, nhiễm “độc” từ thế giới ảo.

2. Phải làm sao nếu người thân ở tỉnh có lịch hẹn tái khám ở các thành phố lớn đã lâu nhưng chưa thể đi vì xe khách chưa chạy lại? Nào phải ai cũng có tiền mà thuê xe riêng lên thành phố khám bệnh! Biết bao người cần quay lại thị thành làm ăn, người thành phố có việc hiếu hỉ cần về quê…

Tất cả đều phải gác lại, phần để phòng dịch, phần vì chưa thể đi khi hoạt động giao thông liên tỉnh chỉ mới hé mở cánh cửa hẹp, không phải muốn đi là được đi!

Ngay tại TP.HCM, nơi đang đẩy mạnh phát triển xe công cộng, xe buýt vẫn mới mở lại mươi tuyến với số ghế hạn chế, hành khách khó khăn khi xe buýt mở tuyến với tần suất còn tùy theo tình hình và nhu cầu thực tế từng khu vực.

Giữa lúc TP Hà Nội vẫn tìm người từng đi trên những chuyến xe, đến các nơi công cộng đã phát hiện F0, thật không thể không lo với những nơi tập trung đông người trong đêm Halloween, trên tàu Cát Linh – Hà Đông và ở nhiều hàng quán.

Đi lại mưu sinh, khám bệnh phải nhịn và gác lại, xe khách và buýt vắng khách trong khi không khí quán xá nhộn nhịp. Ai cũng có nhu cầu nhưng nhu cầu nào cần được ưu tiên? Người lớn muốn hẹn hò đi uống bia thì được, trong khi trẻ muốn gặp dù chỉ một vài bạn cũng khó (vì trẻ nhỏ chưa tiêm ngừa).

3. Ngang qua quán xá thấy người lớn thả lỏng, ngồi bên nhau chẳng cần khẩu trang hay khoảng cách gì hết, rửa tay cũng là chuyện hay quên. Những hoạt động mang tính giải tỏa cá nhân này có cần thiết hơn chuyện đi lại, làm ăn, trẻ đến trường, người già đi chữa bệnh?

Mọi so sánh đều khó vì ai cũng thấy mình cần đi, cần gặp và chuyện của mình quan trọng hơn. Đành rằng mỗi người đều có quyền lựa chọn thứ tự ưu tiên trong cuộc sống nhưng ai cũng đang sống trong gia đình có người già, trẻ nhỏ và cộng đồng F0, F1 không triệu chứng.

Đi lại lo làm ăn, lo sinh kế cần được ưu tiên hơn những chuyến tụ tập vui chơi. Nên chăng chúng ta dừng lại một chút để nghĩ trước khi đưa ra quyết định nào đó để những ngày sắp tới của mọi người sống quanh ta được trọn vẹn hơn.

Bình tĩnh nhưng không bung xõa

Nhịp sống bình thường mới vừa mở ra cánh cửa. Vui chưa bao lâu, mấy hôm nay dịch đang “nóng” lên ở hầu khắp các tỉnh thành. Người người vẫn quanh quẩn trong nhà, trong những khu cách ly. Học sinh đến lớp chưa bao lâu đã phải vội quay về lớp học qua mạng.

Nhìn những con số thống kê về việc xử phạt “ma men” cầm lái sau giãn cách để thấy rằng rất nhiều cá nhân đã quên bài học xương máu về dịch giã vừa qua! Những quán rượu, karaoke mở chui đón khách, mở tiệc ma túy để thấy rằng có những thú vui ích kỷ, lệch lạc đang ẩn chứa nhiều mầm mống bệnh tật!

Nhìn dòng người nườm nượp rủ nhau đi check in một địa điểm nổi tiếng, chen chúc kiếm tìm một góc ảnh đẹp thỏa cơn “sống ảo” để thấy rằng có sự vô tư, bất cẩn hiển hiện.

Trở về cuộc sống bình thường mới là khát khao, bình tĩnh trước thực tế ca nhiễm có tăng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta cho phép mình bung xõa thoải mái, “thả ga” ăn chơi khi mầm bệnh cứ chực chờ đâu đó.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ca F0Giãn Cách Xã Hộilàm ănlàm việcvui chơi

Các tin liên quan đến bài viết