Tất cả những trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV có thể tránh được bệnh khi uống mỗi ngày 1 viên thuốc.
Ngày 1/12 hàng năm là ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS. Tại lễ mít ting hưởng ứng tại BV Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cho biết, gần 40 năm qua, kể từ ngày đầu tiên phát hiện ra virus HIV, mặc dù đã có thuốc kháng virus điều trị đặc hiệu, kéo dài tuổi thọ nhưng đại dịch HIV vẫn đang hàng ngày, hàng giờ cướp đi rất nhiều sinh mạng.
HIV/AIDS, không trừ bất cứ ai, phần lớn trong số đó lại là những thanh niên đang độ tuổi lao động.
Tính chung trên toàn thế giới, hiện có gần 40 triệu người chung sống với HIV, số ca tử vong đã lên tới 35,4 triệu người.
Tại Việt Nam, hiện có gần 210.000 người nhiễm HIV đang còn sống và thêm khoảng 10.000 ca mắc mới mỗi năm. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 50.000 trường hợp HIV ngoài cộng đồng chưa biết mình nhiễm bệnh. Việt Nam cũng là nước có số người nhiễm HIV cao trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với tỷ lệ 0.3% dân số.
Uống thuốc dự phòng PrEp đều đặn có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV |
Trong đó TP.HCM dẫn đầu cả nước về số người nhiễm với hơn 52.000 trường hợp, kế đó là Hà Nội với 20.000 ca, 2 thành phố lớn chiếm 35% số người nhiễm HIV cả nước, kế đó là các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, An Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai, mỗi tỉnh chiếm khoảng 3%.
Để hướng đến mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam, từ năm nay, Bộ Y tế cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu PATH khởi động chương trình PrEP quốc gia nhằm giảm ca nhiễm mới HIV bằng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm.
Việt Nam trở thành nước thứ hai ở châu Á, sau Thái Lan, triển khai chương trình ở cấp quốc gia.
Trong giai đoạn 2018-2020, Việt Nam hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ PrEP cho ít nhất 7.300 người tại 11 tỉnh, thành. Trước đó, Bộ Y tế đã thí điểm dịch vụ PrEP ở TP. HCM và Hà Nội đã giúp gần 2.000 người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao được sử dụng thuốc.
PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao dự phòng bằng cách uống 1 viên thuốc/ngày.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, PrEP có hiệu quả rất cao trong phòng lây nhiễm HIV, có thể lên đến 90% nếu uống đều theo đúng chỉ định.
Các nhóm đối tượng được chỉ định sử dụng PrEP là các cặp dị nhiễm (vợ chồng nhiễm HIV), người tiêm chích ma tuý, người có quan hệ đồng tính nam, người chuyển giới nữ.
Nếu bạn tình nhiễm HIV dương tính nhưng đã điều trị thuốc ARV, có tải lượng HIV dưới ngưỡng 200 bản sao/ml thì không cần uống dự phòng.
Theo PGS Cường, 2 loại thuốc dự phòng tốt nhất hiện nay là Tenofovir Disoproxil Fumarate/Emtricitabine (TDF/FTC) có độ an toàn, dung nạp tốt, có tính thấm cao vào mô trực tràng, âm đạo.
Các kết quả cho thấy, nhiễm HIV hầu như không xảy ra nếu nam giới sử dụng PrEP trên 4 lần/tuần, nữ giới sử dụng PrEP 6 -7 lần/tuần.
Nguồn: vietnamnet