Sau 20 ngày mở bán, chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” đã chính thức khép lại với 75 tấn vải thiều được bán ra tại TP.HCM và Hà Nội thông qua nền tảng ví điện tử MoMo, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt thời gian tới.
Giá trị giao dịch của 75 tấn vải thiều đạt trên 2,08 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng thị trường TP.HCM, chương trình đã giao hơn 72 tấn vải đến người tiêu dùng, tương ứng giá trị 2,02 tỉ đồng.
Trong những giờ cuối, người dùng đặt mua vài thiều trên nền tảng ví MoMo nhộn nhịp với lượng đặt mua 5kg, 10kg. Sau 20 ngày, chương trình ghi nhân khách hàng đạt “kỷ lục” mua vải thiều nhất nhất tại TP.HCM là 240kg, trong khi tại Hà Nội, người mua nhiều nhất là 90kg.
Xuyên suốt chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” dù giá bán vải thiều có nhiều biến động nhưng Saigon Co.op cho biết vẫn luôn đảm bảo giá vải thiều trên ví MoMo thấp hơn ít nhất 20% so với thị trường.
Chương trình cũng ghi nhận hơn 16.000 lượt ủng hộ với số tiền ước tính trên 86 triệu đồng người dùng ví. Số tiền này sẽ hỗ trợ chi phí học tập cho con em nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây cũng là một phần của chiến dịch “Ủng hộ nông sản Việt” do báo Tuổi Trẻ, ví điện tử MoMo và Saigon Co.op phối hợp tổ chức.
Kết quả đạt được đã trên “mức kỳ vọng” của những người thực hiện chương trình.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc marketing Saigon Co.op, trong buổi bán ra mắt đầu tiên, đã có hơn 17 tấn vải được đặt mua, ngay sau đó, nhà bán lẻ đã quyết định dành 100 tấn cho chương trình với kỳ vọng càng nhiều vải thiều Lục Ngạn được bán ra, càng có thêm cơ hội tìm đầu ra cho người nông dân.
“Chương trình gần như chạm được đích đến này và kết quả của chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” lần đầu tiên sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các loại nông sản khác thời gian tới”, ông Huy nói.
Ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo, cho rằng điểm hấp dẫn của “Ủng hộ nông sản Việt” là đã đưa công nghệ trở nên gần gũi, thiết thực và chạm được trái tim của người dùng. Bởi nhu cầu làm việc tốt thì ai cũng có và chương trình thành công vì đã thực sự “đánh” vào nhu cầu của người dùng, đồng thời tận dụng thế mạnh của các bên tham gia để chương trình gần gũi, thiết thực.
“Trong đó, Ví MoMo, với vai trò là nền tảng công nghệ và hàng chục triệu người dùng; Saigon Co.op – là nhà bán lẻ, hệ thống thu mua, phân phối và báo Tuổi Trẻ là tờ báo uy tín, đơn vị đi đầu trong các hoạt động kêu gọi ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn. Các thế mạnh đã được này tương hỗ lẫn nhau giúp chương trình thành công”, ông Bá Diệp chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Diệp, sau “Ủng hộ nông sản Việt”, ví còn ấp ủ rất nhiều những dự án hỗ trợ người nông dân. Trong tương lai, bất kỳ người dùng nào cũng có thể sử dụng ví điện tử như một nền tảng kêu gây quỹ từ cộng đồng. Ví dụ bạn có vườn cam, vườn cà phê, vườn hồng,.. đều có thể mang lên MoMo kêu gọi sự giúp sức của cộng đồng.
Nguồn: tuoitre.vn