Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/2 đã ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), cùng với Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk và Thủ tướng Denys Shmyhal.
Cùng ngày, Tổng thống Zelensky cũng lên tiếng kêu gọi EU “nhanh chóng kết nạp Ukraine vào khối bằng quy trình mới”. “Chúng tôi rất biết ơn các đối tác vì cùng đứng về phía chúng tôi. Nhưng mục tiêu của chúng tôi là được đứng cạnh mọi nước châu Âu, và được sánh vai với họ”, ông Zelensky tuyên bố trong một video được phát trên mạng xã hội.
Theo báo Independent, một bản đề nghị được công bố vào tối 28/2 của Nghị viện châu Âu cho biết tất cả các đảng phái là thành viên cơ quan này đều nhất trí thúc giục EU đẩy nhanh việc “trao tư cách thành viên cho Ukraine”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng EU muốn Ukraine gia nhập khối này một cách từ từ.
Đàm phán Nga-Ukraine tìm được điểm chung
Các hãng thông tấn hôm 28/2 đưa tin, cuộc đàm phán của phái đoàn Nga và Ukraine tại khu vực Gomel, nằm gần biên giới Belarus-Ukraine, đã khép lại sau 5 giờ đồng hồ.
Bên trong phòng họp nơi diễn ra cuộc đàm phán Nga – Ukraine tại Gomel. |
Sau khi rời phòng họp, đại diện hai nước đã có cuộc gặp ngắn với báo giới. Phái đoàn của Nga và Ukraine đều cho biết các bên đã tìm thấy một số điểm chung có thể đạt được đồng thuận.
Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky và trưởng phái đoàn của Ukraine, cho biết mục đích chính của cuộc đàm phán tại Gomel là thảo luận về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Theo ông Podolyak, hai bên đã xác định được một số chủ đề ưu tiên và “các giải pháp cụ thể đã được nêu ra”.
Về phần mình, Vladimir Medinsky – cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin và là trưởng phái đoàn Nga, cũng nói rằng các bên đã tìm thấy một số điểm tương đồng để từ đó có thể hình thành lập trường chung: “Cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ và chúng tôi đã thảo luận chi tiết về tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự, qua đó tìm ra một số điểm chung”.
Ông Medinsky cho biết thêm, trước tiên và quan trọng nhất, kết quả đạt được là thỏa thuận tiếp tục thương lượng. “Cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra trong vài ngày tới ở khu vực biên giới Ba Lan-Belarus, chúng tôi đã có thỏa thuận về điều này”, ông nêu rõ. “Từ giờ tới lúc đó, hai phái đoàn sẽ tiến hành tham vấn lãnh đạo hai nước về quan điểm đàm phán”.
Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, 4 ngày sau khi xung đột quân sự nổ ra giữa các bên.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp khẩn sau 40 năm
Ngày 28/2, Hội đồng Bảo an đã lần đầu tiên triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc kể từ năm 1982.
Cuộc họp chủ yếu thảo luận về tình hình căng thẳng tại Ukraine. Chủ tịch Đại hội đồng Abdulla Shahid (Maldives) tiếp tục kêu gọi các bên tham gia xung đột ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời nên sử dụng cơ hội đối thoại “hiếm có” để “giảm leo thang một cách có ý nghĩa và nhanh chóng”.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya đã lên án các chiến dịch quân sự của Nga, kêu gọi Moscow “thể hiện sự tôn trọng” và khẳng định người dân Ukraine xứng đáng được hưởng hòa bình, dân chủ và tự do.
Đáp lại, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng Ukraine là bên chịu trách nhiệm về gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện tại, do đã tìm cách phá hoại và phớt lờ các nghĩa vụ của thỏa thuận ngừng bắn Minsk suốt nhiều năm qua. Ông khẳng định Nga không có ý định thù địch, và đang nỗ lực kết thúc cuộc xung đột.
Thụy Sĩ ‘phá lệ’, tuyên bố đóng băng tài sản các quan chức Nga
CNN, trích lời Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis hôm 28/2, cho biết Hội đồng Liên bang của nước này đã quyết định chấp nhận hoàn toàn các lệnh trừng phạt Nga từ phía EU. Đây được xem là hành động chưa có tiền lệ của Thụy Sĩ, quốc gia từ trước đên nay vẫn luôn giữ thái độ trung lập.
Cụ thể, Thụy Sĩ sẽ lập tức đóng băng tài sản của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, cũng như 367 cá nhân trong danh sách chịu lệnh trừng phạt của EU. Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cũng sẽ cùng các nước láng giềng châu Âu đóng không phận đối với các hãng bay của Nga, trừ các chuyến bay có mục đích ngoại giao hoặc nhân đạo.
Đối với các lệnh trừng phạt tiếp theo của EU, Thụy Sĩ sẽ cân nhắc tham gia theo từng trường hợp cụ thể. Theo Thời báo New York, giới chức Thụy Sĩ đã rời xa chính sách trung lập thường thấy.
Nguồn: vietnamnet