Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã chỉ trích NATO “thực sự không làm gì” để giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 25/5, Ngoại trưởng Kuleba đã ca ngợi EU vì những quyết định mang tính “cách mạng” nhằm ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, ông cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã “hoàn toàn đứng ngoài lề”.

“NATO, với tư cách là một liên minh và một tổ chức, hoàn toàn đứng ngoài lề và không làm gì cả. Tôi rất tiếc phải nói ra điều đó”, ông Kuleba tuyên bố, theo báo Guardian.

Ngoại trưởng Ukraine cũng cho biết, ở thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, “công chúng luôn có quan điểm rằng NATO là lực lượng mạnh và EU chỉ có khả năng bày tỏ các mức độ quan ngại khác nhau”. Tuy nhiên, “chiến tranh luôn là một bài kiểm tra để lột bỏ lớp mặt nạ này”.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). 

Dù vậy, ông Kuleba vẫn ca ngợi Brussels vì “những quyết định mang tính cách mạng, đột phá mà ngay cả chính họ cũng không ngờ tới”, đồng thời xác nhận một số đồng minh của NATO “đang giúp đỡ chúng tôi”.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng nước này sẵn sàng cung cấp hành lang nhân đạo cho các tàu chở lương thực rời Ukraine, để đổi lấy việc được dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra thông báo nêu rõ, kế hoạch của Moscow trong việc đơn giản hóa thủ tục cấp quyền công dân Nga cho người dân Ukrane tại những khu vực Nga kiểm soát ở 2 tỉnh Zaporizhzhia và Kherson là “vi phạm luật quốc tế”.

“Việc cấp hộ chiếu Nga bất hợp pháp cho người dân Ukraine… là sự vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các chuẩn mực và nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế”, thông báo cho biết.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng, xung đột Nga – Ukraine và những ảnh hưởng của nó đối với giá lương thực và năng lượng có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Khi nhìn vào GDP toàn cầu… giờ đây thật khó để biết được cách chúng ta có thể tránh một cuộc suy thoái kinh tế”, Ông Malpass phát biểu tại một sự kiện được Phòng Thương mại Mỹ tổ chức hôm 25/5.

Theo chủ tịch WB, nền kinh tế của cả Ukraine và Nga đều bị cho là sẽ có sự suy giảm đáng kể, còn châu Âu, Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả do thiếu hụt nguồn cung phân bón, lương thực và năng lượng.

“Ý kiến về việc giá năng lượng tăng gấp đôi là đủ để tự kích hoạt một đợt suy thoái kinh tế”, ông Malpass nhận định, song không nêu cụ thể thời điểm suy thoái trên toàn cầu sẽ diễn ra.

WB tháng trước đã hạ gần 1 điểm % trong dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022, từ mức 4,1% xuống 3,2%, do tác động từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Ukraine ngưng miễn thị thực đối với người Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lệnh ngưng việc miễn thị thực tới nước này đối với các công dân Nga, với lý do cần phải cải thiện an ninh biên giới.

Trong một sắc lệnh được đăng trên trang web của tổng thống Ukraine hôm 25/5, ông Zelensky đã bày tỏ sự ủng hộ một bản kiến nghị do một công dân Ukraine đệ trình, yêu cầu chấm dứt hoạt động miễn thị thực đối với các công dân Nga.

“Trong bối cảnh giao tranh với Nga đang ở mức toàn diện, vấn đề được đặt ra này mang tính quan trọng và sống còn. Tôi ủng hộ sự cần thiết phải tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh của công dân Nga”, Tổng thống Ukraine nói.

Với việc Nga kiểm soát phần lớn khu vực biên giới, không rõ liệu quyết định của ông Zelensky có giá trị thực tiễn trong thời điểm chiến sự hay không.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu “các bước cụ thể” từ Thụy Điển và Phần Lan nếu muốn vào NATO

Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định sau cuộc hội đàm với các phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan rằng, nước này sẽ không đồng ý để 2 quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO nếu không có các bước cụ thể để giải quyết những quan ngại từ phía Ankara.

“Chúng tôi đã nói rất rõ rằng, nếu những quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ không được đáp ứng bằng các bước cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định, thì quá trình này sẽ không thể tiến triển”, Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói sau cuộc hội đàm kéo dài khoảng 5 giờ tại Ankara.

Ông Kalin cũng cho biết, đề xuất của Ankara về việc Phần Lan và Thụy Điển dỡ bỏ giới hạn xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ đã được đáp ứng với một “thái độ tích cực”. Bên cạnh đó, khoảng 28 nghi phạm “khủng bố” từ Thụy Điển và 12 nghi phạm từ Phần Lan dự kiến sẽ được dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần Lan và Thụy Điển từng bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chứa chấp một số phần từ thuộc các lực lượng vũ trang người Kurd mà nước này xem là “khủng bố”. Ankara cũng nhiều lần đe dọa sẽ cản trở quá trình gia nhập NATO của 2 nước trên, nếu không dẫn độ các phần tử này về Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : NATOUkraine

Các tin liên quan đến bài viết