Không chỉ tăng cường năng lực phòng tấn công mạng, Úc còn lên kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm tấn công mới, và lần đầu tiên chi tiền mua tên lửa tấn công tầm xa.
Với diện tích lãnh thổ hơn 7,6 triệu km2 và quản lý một vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương, nhưng Úc chỉ có 6 tàu ngầm chạy diesel – điện lớp Collins. Số lượng như vậy rõ ràng không thể đối đầu với 70 tàu ngầm đủ loại của Trung Quốc.
Việc Canberra sắm 12 tàu ngầm tấn công thế hệ mới, dựa trên một lớp tàu ngầm hạt nhân của Pháp, cho thấy sự thay đổi về tư duy chiến lược của các nhà lãnh đạo Úc.
Xây dựng lực lượng quân sự mạnh
Chiến lược quốc phòng mới được công bố hồi đầu tháng này đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Úc sẽ chuyển từ “một lực lượng chỉ giữ vai trò phòng thủ trong các liên minh” thành lực lượng có thể đi đầu trong một số trường hợp với năng lực răn đe giới hạn.
Chuyên gia Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định việc Canberra phải công bố “Cập nhật chiến lược quốc phòng năm 2020” và “Kế hoạch cơ cấu lực lượng năm 2020” cho thấy những giả định đặt ra trong Sách trắng quốc phòng 2016 đã trở nên lỗi thời.
Nói cách khác, môi trường chiến lược mà Canberra đang đối mặt vượt quá sức tưởng tượng của các nhà quân sự Úc cách đây 4 năm.
Thủ tướng Úc Scott Morrison thừa nhận kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ (năm 1991), nước Úc đã tận hưởng một môi trường chiến lược tương đối “lành tính”. Nhưng ngày nay, việc duy trì thế phòng thủ đã không còn thích hợp để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Úc.
Trung Quốc xuất hiện như một hiểm họa tiềm tàng của Úc trong các bài phát biểu của giới lãnh đạo và hai tài liệu chiến lược vừa công bố.
Giờ đây, theo ông Morrison, việc răn đe các lực lượng xâm phạm lợi ích của Úc và sẵn sàng đáp trả bằng một lực lượng quân sự mạnh cũng được xem là một phần trong định nghĩa của Canberra về “phòng thủ”.
Mặc dù bản cập nhật chiến lược tiếp tục thừa nhận khả năng Úc sẽ phải hỗ trợ đồng minh tham gia các cuộc chiến ở Trung Đông, Canberra đã dành nhiều sự tập trung hơn cho các khu vực sát sườn như Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương – những nơi đang chứng kiến sự quyết đoán và hung hăng ngày càng nhiều của Trung Quốc.
Khi họ nói về những hành xử xấu xí trong khu vực, cưỡng ép và chiếm đoạt lãnh thổ, gây ảnh hưởng chính trị ở nước khác và tấn công mạng – chỉ một nước có thể tiến hành những điều đó một cách ồ ạt: Trung Quốc.
Ông Peter Jennings (giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc) giải thích về việc Canberra hạn chế nhắc đến Bắc Kinh trong 2 tài liệu chính thức nhưng ai cũng hiểu là đang nhắm vào nước nào.
Tung tiền mua sắm
Năm 2016, Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay huấn luyện thì đến năm 2020 đã có 2 tàu sân bay và đang đóng tiếp tàu thứ 3. Hải quân Trung Quốc cũng chuẩn bị biên chế các tàu đổ bộ tấn công Type 075 và trình làng Type 055, tàu khu trục lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh được cho là đang nghiên cứu các tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới.
Trong bốn năm đó, Úc gần như đứng tại chỗ. Hải quân Úc chỉ được bổ sung 2 tàu khu trục phòng không lớp Hobart, và tiếp tục sử dụng các tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tra được biên chế từ cuối thế kỷ 20. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi hải quân là lực lượng được chi bổ sung tiền nhiều nhất lần này.
Theo báo Asia Times, trong 187 tỉ USD bổ sung cho 10 năm tới, hải quân được chi tới 51,5 tỉ USD, so với 44,7 tỉ USD cho không quân, và 38 tỉ USD cho lục quân. Đáng chú ý, Canberra còn chi thêm 10 tỉ USD cho lực lượng tấn công mạng, sau một loạt vụ tấn công tin tặc mà Úc khẳng định là “có bàn tay của một nhà nước”.
Theo ông Graham, việc Úc thừa nhận không thể cải thiện năng lực nhanh chóng trong cập nhật quốc phòng mới là chỉ dấu cho thấy Canberra sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…
Để thuyết phục các nước hợp tác và tự tăng cường năng lực cảnh giới, Úc sẽ triển khai hệ thống giám sát hàng hải với các cảm biến hiện đại dưới nước, và sử dụng các tàu ngầm không người lái tới khi hạm đội tàu ngầm mới hoàn thiện vào năm 2030.
Sát thủ diệt hạm tầm xa mới
Tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C do Mỹ phát triển gây chú ý trong số các vũ khí mới mà Úc quyết tâm sở hữu. Loại tên lửa được mệnh danh là sát thủ diệt hạm này có tầm bắn trên 370km và có thể lắp đặt trên tiêm kích F/A-18F hiện có trong quân đội Úc. Canberra từng từ chối cho Washington đưa tên lửa này tới căn cứ ở Darwin vì lo sợ có thể chọc giận Bắc Kinh. Nhưng nay, Úc đang có kế hoạch mua khoảng 200 tên lửa này thay thế các tên lửa Harpoon có tầm bắn chỉ trên 120km.
Nguồn: tuoitre.vn