Ngày 16/5, tại hội trường tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều – Bình Phước năm 2017. Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas); lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương; cùng 8 doanh nghiệp nước ngoài, 62 doanh nghiệp điều trong nước và trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị.
Về phía lãnh đạo tỉnh, có đồng chí Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Trăm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng – Trưởng Ban tổ chức hội nghị.
 
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều – Bình Phước năm 2017 nhằm tạo môi trường, điều kiện cho người trồng điều, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất – nhập khẩu điều có cơ hội giao thương, đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán với đối tác trong và ngoài nước; nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; thấy được những khó khăn, thách thức để điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe các bài tham luận và thảo luận về các chủ đề: “Bình Phước – thủ phủ cây điều Việt Nam”, “Chất lượng hạt điều Bình Phước” với các nội dung: Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, chất lượng cây giống và quy trình canh tác cây điều; liên kết trong sản xuất và chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu hạt điều Bình Phước; thâm canh điều sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Trong chủ đề “Chính sách hỗ trợ ngành chế biến điều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Bình Phước”, các bài tham luận đã khái quát tổng quan chính sách phát triển ngành điều Bình Phước; ứng dụng công nghệ trong sản xuất và chế biến hạt điều đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu các gian hàng trưng bày về sản phẩm hạt điều Bình Phước.
Hiện nay, Bình Phước có trên 134.000 ha điều, chiếm gần 50% diện tích ngành điều cả nước, trong đó có hơn 132.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn. Bình Phước được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch vùng nguyên liệu chính với 200.000 ha vào năm 2020. Hạt điều Bình Phước được chọn xây dựng thành thương hiệu quốc gia.
Đối với ngành công nghiệp chế biến hạt điều, chỉ tính riêng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhân điều đạt 500 triệu USD, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong hoạt động chế biến, có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến hạt điều, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với công suất đạt trên 82.000 tấn/năm. Ngành công nghiệp chế biến hạt điều đã giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động; công nghiệp chế biến đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng  cho rằng: Hội nghị là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, không chỉ thu hút sự quan tâm của người trồng điều, các doanh nghiệp điều trong và ngoài nước, mà còn thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước để cùng chung tay hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp chế biến hạt điều phát triển mạnh và bền vững trong tương lai. Phó Chủ tịch Huỳnh Thị Hằng đánh giá cao kết quả của hội nghị, nhiều chủ đề được đề cập liên quan sâu sắc đến những vấn đề quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển ngành điều bền vững. Phó Chủ tịch hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp điều trong tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay hợp tác phát triển thông qua những hợp đồng có giá trị cao.
Dịp này, UBND tỉnh đã trao tặng bằng khen cho 6 tập thể và 18 cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành điều Bình Phước. Vinacas đã tuyên dương và tặng bằng khen cho 10 cá nhân là các hộ gia đình trồng điều giỏi trên địa bàn tỉnh./.
Hải Thanh

Từ khóa : giá điềuhội nghị ngành điềukỹ thuật chăm sóc điều

Các tin liên quan đến bài viết