Trong xu thế phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hình thức “đa cây, đa con” đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều nông dân trong tỉnh Bình Phước áp dụng thành công. Việc áp dụng theo hướng này nhằm tránh được những rủi ro, bất lợi do thời tiết và dịch bệnh gây hại, đồng thời nâng cao mức thu nhập. Ông Nguyễn Văn Phượng, 51 tuổi, thôn 8, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng là một điển hình từ mô hình “đa cây” cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Phượng (giữa) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây bưởi da xanh |
Năm 1997, nhận thấy Bình Phước đất đai rất màu mỡ, trồng cây gì cũng được nên ông Nguyễn Văn Phượng cùng gia đình rời quê hương Long An lên Bình Phước lập nghiệp. Tích góp được ít vốn ông mua được 4,5 sào đất để trồng 600 năm nọc tiêu. Ngày đầu mới trồng, chưa có tiền đào giếng để tưới nên hai vợ chồng phải gánh nước tưới cho tiêu. Do kinh nghiệm không có nên dù có chăm sóc cây tiêu cũng không phát triển. Lắm lúc ông muốn buông xuôi. Tuy nhiên, với phẩm chất người lính cụ Hồ từng tham gia nhập ngũ thuộc Sư đoàn 302, mặt trận 479 và tham gia Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp bạn Campuchia, nên dù có khó khăn ông Phượng cũng vượt qua.
Không phụ công người chăm sóc đến năm 2000, vườn tiêu cho thu hoạch vụ đầu tiên, tiền thu về ông dùng mua thêm đất và số còn lại tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Hiện gia đình ông Phượng đã có hơn 10ha rẫy trồng xen canh các loại cây như tiêu, cà phê, điều, bưởi da xanh, sầu riêng. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 1,5 tỷ đồng từ mô hình “đa cây”.
Ông Phượng cho biết, mô hình trồng xen canh nhiều cây trồng trên cùng diện tích đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Việc trồng xen canh như vậy đạt hiểu quả kinh tế gấp bội so với việc trồng thâm canh một loại cây. Trồng đa canh nhiều cây vừa tiết kiệm được nước tưới, phân bón, công chăm sóc.
Mỗi loại cây trồng, ông Phượng có cách chăm sóc riêng. Với cây điều, mỗi năm bón phân 3 đợt vào đầu, giữa, cuối mùa mưa và 1 lần trong mùa khô. Thu hoạch xong thì tạo tán, bón thúc phân, phun thuốc nhờ chăm sóc tốt mỗi năm gia đình thu được 10 tấn.
Để cây tiêu cho năng suất cao, ông Phượng đảm bảo nước tưới và phân bón đủ 3 lần/năm. Ông làm nọc tiêu bằng nọc sống, mỗi nọc cao 3m. Nọc tiêu sống có tác dụng làm mát cây, lại khá thuận lợi cho cây tiêu leo bám phát triển. Mặc dù vườn tiêu của gia đình ông đã trồng 20 năm nay những năng suất hàng năm ngày một tăng cao.
Theo ông Phượng, bưởi da xanh trồng khoảng 3 năm sẽ cho thu hoạch. Vườn trồng phải đắp thành mô cao, đào rãnh tại mỗi gốc, giúp rễ cây thông thoáng, kết hợp bón phân và trồng với khoảng cách hợp lý để cây phát triển. Ngoài ra, phải thường xuyên chăm sóc, cắt cành, tạo tán. Những năm gần đây, giá bưởi luôn tăng cao, nhất là vào dịp Tết.
Ông Bùi Văn Thực – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bom Bo nhận xét: Ông Phượng là gương sáng tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Không chỉ tham gia tốt phong trào phát triển xây dựng tổ chức Hội, ông còn thường xuyên giúp đỡ anh em đồng đội, bà con trong xã như cho vay không lấy lãi, giúp cây giống và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất… Ông còn vận động tiền để xây 2 cây cầu và làm đường cho người dân trong thôn đi lại. Ngoài ra, luôn tích cực hưởng ứng và vận động mọi người cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Không những thế, ông Phượng còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.