Với chỉ 55,7% học sinh Hà Nội được vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về sự cạnh tranh khốc liệt đang bày ra trước mắt ở mùa tuyển sinh năm 2023.
Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%.
4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”.
Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. Trong đó, không ít phụ huynh phàn nàn “chung cư Hà Nội mọc như nấm sau mưa” trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng.
Ban Giáo dục, VietNamNet thực hiện Tuyến bài Cửa hẹp vào công lập THPT ở Hà Nội với mong muốn phản ánh câu chuyện thực tế đang diễn ra tại các trường ở Thủ đô.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2022 – 2023, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển vào trường THPT năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước). Trong đó, số lượng tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 – 2023), chỉ chiếm tỷ lệ 55,7%. Đây là tỷ lệ thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây.
Số còn lại sẽ vào học các trường THPT công lập tự chủ và tư thục, trung tâm GDNN – GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cuộc cạnh tranh kiếm “một tấm vé” vào lớp 10 công lập ở Hà Nội nếu nói khốc liệt cũng không sai. Một phụ huynh ở Hà Nội phải thốt lên: “Như vậy, gần đến ngưỡng trung bình cứ 2 học sinh sẽ có 1 em phải học trường ngoài công lập”.
Ảnh minh họa
Càng gần kỳ thi, áp lực vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành Hà Nội như đè nặng hơn lên tâm lý của học sinh, phụ huynh.
Chị Nguyễn Thủy (quận Cầu Giấy) chia sẻ, trước thông tin số lượng thí sinh tăng vọt, cơ hội vào trường công thấp kỷ lục, gia đình chị khó khăn hơn khi quyết định chọn cho con đăng ký nguyện vọng là Trường THPT Yên Hòa và Trường THPT Cầu Giấy.
Bởi đây đều là những trường có điểm chuẩn thuộc top cao của quận. Trường THPT Yên Hòa điểm chuẩn năm ngoái là 42,25, trong khi Trường THPT Cầu Giấy là 40,25.
“Con cũng thuộc diện học tốt nhưng sau khi nghe thông tin lượng thí sinh tăng vọt so với năm ngoái, tôi thêm phần lo lắng”, chị Thủy nói trong lo âu.
Vợ chồng chị Lê Trang (quận Thanh Xuân) cũng đau đầu suốt mấy tháng nay chỉ vì chuyện chọn trường cho con.
Áp lực cao cũng ảnh hưởng đến những tính toán việc chọn trường năm nay của con chị. “Sợ rớt tấm vé công lập, con và gia đình sẽ phải rẽ sang một hướng hoàn toàn khác nên chúng tôi cũng đang rất cân nhắc hay chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn chút so với trường kỳ vọng cho an toàn”.
Chị Nguyễn Trung Anh (quận Hà Đông) bất bình bởi tỷ lệ vào trường công lập ở Hà Nội ngày càng thấp đi như vậy.
“Mỗi năm ở Hà Nội không biết bao nhiêu chung cư mọc lên. Trong khi mỗi toà nhà chung cư có số dân tương ứng với 1 xã, phường nhưng không có trường nào được xây dựng lên tương ứng nên cảnh mới xảy ra tình trạng này”.
Không ít phụ huynh đồng quan điểm để có một suất vào trường công ở Hà Nội thật khổ sở. Chung cư, cao ốc “mọc như nấm sau mưa” nhưng trường học thiếu thốn, chẳng được quan tâm đúng mức.
Trước áp lực trường công, nhiều phụ huynh cũng xác định cho con học trường tư. Nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để đưa ra quyết định dễ dàng như vậy, dù nhận thức rằng không phải trường tư là chất lượng kém hơn công.
“Con tôi sang năm mới thi, nhưng giờ đọc tỷ lệ vào công ngày càng giảm đã thấy “áp lực phả vào gáy” rồi”, phụ huynh Nguyễn Hồng chia sẻ.
Cuộc thi càng ngày càng khốc liệt, nhiều phụ huynh chia sẻ khá buồn khi đáng lẽ con ở độ tuổi phải được chơi thể thao, rèn thêm sức khoẻ thì nay lại cắm đầu vào nỗi lo học hành, thi cử.
Phụ huynh Phan Thu Hương nói: “Cứ bảo cho con vui chơi cho đúng tuổi thơ, nhưng thế này sao tự tin bỏ học thêm được”.
Để tăng cơ hội vào trường công lập, nhiều phụ huynh ngay từ đầu lớp 9 đã tìm cho các con các lớp học thêm các môn phục vụ thi nhiều buổi tối trong tuần, thậm chí kín tuần, song chừng đó vẫn chưa thể khỏa lấp nỗi lo.
Một phụ huynh quận Tây Hồ thở dài: “Tôi thấy con lo lắm. Cũng vì áp lực, con trở nên khó tính, hay gắt gỏng với bố mẹ, mọi người xung quanh. Có lần mệt quá, đến bữa cháu bỏ ăn. Có hôm con bẽn lẽn hỏi tôi: “Nếu con trượt thì sao?”, thấy thương vô cùng. Đỗ trượt không biết thế nào nhưng chỉ lo ảnh hưởng tâm lý chỉ vì suất vào trường công lập”.
Kỳ 2 của tuyến bài là câu chuyện do chính một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ về nỗi buồn của gia đình khi “tấm vé” vào trường THPT bị trượt khỏi tầm tay con gái chị. Mời quý độc giả đón đọc trên Giáo dục VietNamNet, ngày 15/3. |
Nguồn: vietnamnet