Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em tiếp tục có mức sụt giảm cao nhất trong khoảng 30 năm qua, theo dữ liệu được công bố từ WHO và UNICEF.
Theo dữ liệu thống kê này, riêng năm 2021, Việt Nam có hơn 250.000 trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván (DPT) trong chương trình tiêm chủng thường xuyên. Số trẻ này đã tăng khoảng bốn lần so với năm 2019 – trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Hiện 52 trong số 63 tỉnh thành chưa đạt được tiến độ hoàn thành mục tiêu 90% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cơ bản được khuyến nghị khi trẻ tròn 12 tháng tuổi.
Trên toàn cầu, tỷ lệ bao phủ vắc xin giảm ở mọi khu vực. Tỷ lệ trẻ em được tiêm đủ 3 liều vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà và uốn ván (DPT3) đã giảm 5 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2021, xuống còn 81%. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ghi nhận mức sụt giảm cao nhất về tỷ lệ bao phủ DPT3, giảm 9 điểm phần trăm chỉ trong hai năm.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trẻ đối mặt với hậu quả khó lường
Tình trạng sụt giảm này xảy ra do nhiều yếu tố. COVID-19 khiến các khu vực bị gián đoạn dịch vụ và chuỗi cung ứng. Các nguồn lực chuyển hướng sang ứng phó với đại dịch, các biện pháp giãn cách làm hạn chế nguồn cung và khả năng tiếp cận vắc-xin.
Ngoài ra, từ tháng 5-2022, Bộ Y tế Việt Nam đã thông báo về việc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và một số địa phương đang vướng mắc thủ tục trong cung ứng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số loại vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Dù hiện nay đã có thông báo mới của Bộ Y tế về việc cung cấp thêm 434.000 liều vắc xin Sởi và DPT nhưng trong thời gian chờ vắc xin được phân bổ, những lo ngại về việc chủng ngừa cho trẻ nhỏ vẫn đang còn đó. Bên cạnh đó, vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib dự kiến có thể thiếu vào tháng 12.
“Đây là báo động đỏ về sức khỏe trẻ em. Chúng ta đang chứng kiến mức sụt giảm liên tục lớn nhất về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em trong một thế hệ. Hậu quả sẽ được tính bằng mạng sống”, bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết.
Theo giới chuyên gia, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch sẽ tăng nguy cơ mắc và tử vong bởi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không may nhiễm bệnh, trẻ dễ gặp biến chứng nặng, gây tổn thương các cơ quan, hệ hô hấp, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài.
Hơn nữa, khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cho trẻ em không đảm bảo, cộng đồng có nguy cơ phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế vốn đang gặp nhiều căng thẳng, điển hình như dịch bạch hầu xảy ra ở Tây Nguyên năm 2020. Việc hoàn thành đủ các mũi vắc xin ngoài tác dụng bảo vệ trẻ, còn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm.
Chủ động cho trẻ tiếp cận vắc xin là điều cấp thiết
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, có hệ miễn dịch còn non yếu, do kháng thể tự nhiên nhận được từ nhau thai và sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Tiêm vắc xin trong giai đoạn này giúp bổ sung đầy đủ kháng thể, tạo nền tảng miễn dịch vững chắc để bảo vệ trẻ trước sự tấn công của bệnh tật. Do đó, đảm bảo lịch chủng ngừa cho trẻ là điều mọi phụ huynh cần ưu tiên.
Trước các cột mốc quan trọng trong lịch tiêm, phụ huynh nên chủ động liên hệ các cơ sở tiêm chủng về tình hình vắc xin và thường xuyên rà soát lại quá trình tiêm chủng của trẻ. Nếu trẻ chưa tiêm hoặc tiêm thiếu mũi, phụ huynh cần nhanh chóng tìm phương án để trẻ được tiêm bù kịp thời.
Trong trường hợp thiếu hụt vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như thời gian vừa qua, có những vắc xin tương đồng trong tiêm chủng dịch vụ được khuyến khích người dân chủ động tiếp cận để không làm lỡ lịch tiêm của trẻ. Ví dụ, để thay thế vắc xin DPT, phụ huynh có thể cân nhắc tiêm vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 dịch vụ.
Ngoài phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, các loại vắc xin này còn phòng thêm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác là viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib và bại liệt (đối với vắc xin 6 trong 1).
Nguồn: tuoitre.vn