Tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử như áng thiên cổ hùng văn, xúc động lòng người, lay động hàng triệu trái tim vì công lý, hòa bình, độc lập, tự do dân tộc.’
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2-9-1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…
Tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 đã đi vào lịch sử như áng thiên cổ hùng văn, xúc động lòng người, lay động hàng triệu trái tim vì công lý, hòa bình, độc lập, tự do dân tộc. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về bản Tuyên ngôn lịch sử này.
Đi cùng năm tháng, những lập luận sắc bén, hùng hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn về độc lập, tự do của Việt Nam được khẳng định như một chân lý thời đại không thể chối cãi. Độc lập, tự do là nền tảng của ấm no, hạnh phúc của nhân dân, là điều kiện tiên quyết để phát triển.
Vì lẽ đó, mục tiêu tối thượng được gắn liền với quốc hiệu không hề thay đổi, đó là ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC. Và cũng chính vì lẽ đó mà trong giờ phút cam go nhất đối với đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, đồng thời khẳng định ý chí của toàn dân Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Ý chí ấy là chân lý, là đạo lý làm người của dân tộc ta. Nó chính là sức mạnh, là niềm tin không gì lay chuyển nổi. Và cũng chính trên nền tảng sức mạnh và niềm tin ấy mà ngay khi vừa giành được chính quyền, ngay khi lực lượng cách mạng còn non yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin vào sức mạnh vô địch của lòng yêu nước, của niềm khát khao tự do, độc lập của toàn dân ta mà khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “Và sự thật, Việt Nam đã trở thành nước tự do, độc lập”.
Sự thật ấy, chân lý và niềm khát vọng ấy của dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thử thách, để hôm nay chúng ta có quyền ngẩng cao đầu trước cộng đồng quốc tế về một Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập tự do và hạnh phúc.
Thử thách vô cùng khốc liệt ngay khi nhà nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa vừa ra đời; thù trong, giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt như cùng “hợp lực” bóp chết nhà nước công nông non trẻ. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá hoàn cảnh lúc đó khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngay sau Tuyên ngôn độc lập, ta đã phải chuẩn bị kháng chiến trường kỳ vì “càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”, “chúng muốn cướp nước ta”, muốn cướp đi một sự thật hiển nhiên rằng nước ta “đã trở thành nước tự do độc lập”. Điều đó là không thể nhân nhượng!
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã không ngại gian khổ, hy sinh làm cuộc kháng chiến trường kỳ để kết thúc bằng chiến thắng “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, góp phần kết thúc chế độ thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với Hiệp định Genève, một nửa Việt Nam còn chưa có tự do độc lập. Một nửa có hòa bình nhưng còn đói nghèo lạc hậu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải khẳng định: “Độc lập, tự do mà dân chưa được ấm no hạnh phúc thì độc lập để làm gì?”; “Vì Độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”!
Vậy là Việt Nam lại phải trải qua một cuộc chiến ác liệt nhất thế kỷ XX để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày hội thống nhất non sông 30/4 đã giành độc lập tự do cho dân tộc.
Nhưng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam vẫn bị đe dọa bởi các thế lực bảo thủ, hiếu chiến và dân tộc hẹp hòi. Tiếng súng lại nổ ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Sóng dữ lại trào lên trên Biển Đông. Các thế lực thù địch bao vây, cấm vận nhằm buộc Việt Nam phải phụ thuộc, phải chịu khuất phục chúng. Thực chất là muốn cướp đi độc lập, tự do của dân tộc ta.
Thế giới thay đổi. Tình cảnh Việt Nam lúc bấy giờ thật vô cùng khó khăn, tưởng không thể trụ vững. Nhưng sức mạnh của ý chí độc lập, tự do, tự chủ, tự cường có truyền thống lâu đời đã tạo nên sức mạnh thần kỳ để chúng ta vượt qua tất cả thử thách và đứng vững như một hình mẫu của sự kiên cường, của cái thiện thắng cái ác…
Những kẻ bao vây, cấm vận, phản đối chúng ta đã chứng kiến tòa án quốc tế xử và kết tội bọn diệt chủng, chứng kiến một Campuchia hồi sinh và phát triển. Chúng ta sẵn sàng hy sinh, bất chấp luận điệu của những kẻ chống đối và thiệt hại to lớn về kinh tế và ngoại giao lúc bấy giờ để giúp dân tộc Khmer thoát khỏi họa diệt chủng bởi chúng ta hiểu cái giá của độc lập, tự do.
Trân trọng độc lập, tự do của dân tộc khác như chính độc lập, tự do của dân tộc mình. Đó là đạo lý. Và vì là đạo lý nên nó đã thấm sâu vào lòng người mà viết nên lịch sử. Vì là đạo lý nên nó hợp quy luật và nhất thiết phải được công nhận.
Việt Nam ngày nay được nhiều nước trên thế giới tin tưởng, hợp tác và phát triển các mối quan hệ. Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Các nước lớn đều có quan hệ ngoại giao cấp cao với Việt Nam.
Việt Nam-Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Hoa Kỳ cũng đã khởi công xây dựng Đại sứ quán trị giá hàng tỷ USD tại Hà Nội. Điều đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian qua, trật tự thế giới có nhiều thay đổi, các nước lớn tăng cường các ảnh hưởng trong xu thế mới… Nhưng hình ảnh và vị thế Việt Nam vẫn phát triển lên tầm cao mới, nâng cấp quan hệ với các nước lớn với những kết quả ngày càng thiết thực.
Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam khẳng định vị trí xứng đáng của Việt Nam trên trường quốc tế. Nguyên tắc không liên kết với nước này chống nước khác, không chọn phe, không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự ở Việt Nam, không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực… là những nguyên tắc được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tất cả điều đó khẳng định độc lập, tự do của đất nước chúng ta.
Việt Nam thật sự độc lập, tự chủ trên nguyên tắc trân trọng độc lập tự do của nước khác, đồng thời góp phần có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Mặc dù còn khó khăn nhưng các chiến sĩ gìn giữ hòa bình thế giới của Việt Nam đã thể hiện xuất sắc tinh thần Việt Nam đối với hòa bình, thịnh vượng của nhân dân các nước nơi mình đóng quân, khẳng định trách nhiệm bảo vệ hòa bình của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Nền độc lập, tự do của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945, đã trải bao thăng trầm, đến nay ngày càng vững chắc và đi vào lịch sử như một dấu son rực rỡ. Nền độc lập, tự do ấy đã đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ước mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” nay đã là hiện thực. Hơn thế nữa, Việt Nam đã xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, đồng thời cung cấp cho cộng đồng quốc tế hàng triệu tấn lương thực cùng với các nông sản đặc hữu góp phần bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người trên hành tinh này.
Nền tảng độc lập, tự do ấy đã đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới bền vững và tươi sáng. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) – Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đó là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân ta, đồng thời khẳng định “Sự thật Việt Nam đã thành nước Tự do, Độc lập” trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân lý của thời đại, là ý chí và nguyện vọng chính đáng, là quyền thiêng liêng của dân tộc ta và các dân tộc trên toàn thế giới!
TS. Nguyễn Viết Chức/TTXVN