Trưa 30/4/975, xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến vào dinh Độc lập, ông Hoàng Đan là Tư lệnh phó Quân đoàn 2 ngồi trên xe đi cùng. Tới dinh, sau khi tiếp nhận sự đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh, sắp xếp đội hình theo phương án sẵn sàng tác chiến, ông và vài đồng đội đi xem xét các căn phòng trong dinh Độc Lập. Có một căn phòng to và đẹp, khi mọi người tiến vào thì thấy trưng bày các đồ thể thao của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu như vợt đánh bóng bàn, vợt tennis, súng thể thao…
Bỗng ngoài sân nghe có tiếng pháo bắn cấp tập vào dinh, ông Hoàng Đan hô anh em quay ra sẵn sàng vào vị trí chiến đấu, nhưng sau khi liên lạc lại thì được biết pháo của một đơn vị ta bắn vào vì chưa biết là Quân Giải phóng đã vào được dinh Độc Lập. Ông Đan gọi điện thoại thông báo với đơn vị bạn là quân ta đã làm chủ dinh Độc Lập, và họ ngừng bắn sau khi nhận điện thoại.
Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy lực lượng cơ động của Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, ông là chỉ huy cấp quân đoàn đầu tiên có mặt ở dinh Độc Lập. Năm 1977, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta sau khi thống nhất đất nước, ông Hoàng Đan được phong hàm Thiếu tướng.
Lát sau Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu được đưa trở lại dinh Độc Lập sau khi đọc tuyên bố đầu hàng ở đài phát thanh. Họ tiếp tục ngồi ở đó cùng các thành viên khác của chính phủ đã sụp đổ. Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền – người đã rời dinh Độc Lập nửa tiếng trước khi xe tăng Quân Giải phóng đến, đã quay trở lại dinh lúc 17 giờ để đầu thú, do một người thân của ông chở ông đến bằng xe máy.
Lúc này các đoàn xe vận tải quân sự của bộ đội ta nối đuôi nhau kéo vào trước cửa dinh. Quảng trường trước dinh Độc Lập trở thành một bãi đỗ rộng lớn cho xe tăng, xe tải, các tiểu đoàn phòng không, súng máy còn phủ đầy cành cây và bụi đỏ… tập kết. Bộ binh vẫn tiếp tục tiến vào Sài Gòn, họ đi từng nhóm nhỏ 15 – 20 người. Cùng với họ là các du kích trẻ đeo súng AK-47 sau lưng, súng cối vác trên vai, những khẩu pháo nặng trĩu được nhiều người khiêng.
Chiều muộn, các chiến sĩ giặt giũ quần áo và phơi trên hang rào sắt của dinh Độc Lập. Ở sân nhà thờ và trong dinh, bộ đội bắt đầu đốt củi trên những kiềng ba chân làm từ vỏ thùng đạn và nấu những nồi cơm lớn, đun nước nóng cho anh em uống.
Ông Hoàng Đan kể: “Trên xe tăng anh em bao giờ cũng có gạo, rau, củi… Thậm chí có xe còn mang theo lồng nuôi dăm chú gà con. Đến đâu là hạ bếp nấu nướng, cơm ăn xong dành một chút cho đàn gà. Lâu lâu mổ gà và chiến sĩ được chén bữa thịt tươi”.
Khoảng 18 giờ, ông Hoàng Đan ngồi quây quần ăn cơm với một tốp chiến sĩ xe tăng. Bữa ăn đơn giản chỉ có cơm trắng, rau luộc và ruốc mặn, tuy vậy ai cũng vui vì chiến tranh đã kết thúc. Đây là bữa cơm hòa bình đầu tiên. Sau đây mọi người có thể trở về với cha mẹ, với vợ con… Cái ngày mơ ước tưởng như xa xôi ấy, nay đã thành hiện thực. Nắng vàng cuối chiều rải rác trong sân của dinh Độc Lập, mùi khói của củi cháy thơm ngai ngái. Trời xanh thẫm đặc biệt. Tiếng hò, hát, hô khẩu hiệu vẳng từ những đoàn mít tinh ngoài đường.
Bỗng Dương Văn Minh bước tới ngập ngừng xin gặp ông Hoàng Đan, nói: “Bây giờ mọi việc đã xong hết, tình hình đã ổn định. Nên tôi xin phép ông cho tôi được về qua nhà. Cần việc gì các ông cho người gọi, tôi sẽ đến…”. Tướng Hoàng Đan mỉm cười, lịch sự nói: “Các ông hãy ở lại đây để chúng tôi bảo vệ các ông. Ở đây các ông được tuyệt đối an toàn. Bây giờ xin mời ông ăn một bữa cơm chung vui với chúng tôi. Ông hãy nếm thử xem cơm của Việt Cộng có ngon không? Nào xin mời ông… Các chiến sĩ lùi rộng ra, nhường cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa vừa đầu hàng một chỗ ngồi. Vẻ căng thẳng trên gương mặt Dương Văn Minh biến mất, ông ta lúng túng xin phép từ chối ăn cơm, nói lời cảm ơn và quay trở lại văn phòng.
Nhớ đến bạn bè các đồng đội đã ngã xuống trong những trận đánh trên đường tiến về Sài Gòn, ông Hoàng Đan rưng rưng nước mắt. Thắng lợi ngày 30/4 có được nhờ bao nhiêu xương máu của đồng đội đóng góp. Tổ quốc không bao giờ quên công lao các liệt sĩ đã cống hiến cuộc đời thanh xuân của mình cho hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, nhân dân.
Theo Dân việt