Bác sĩ phát hiện từ cột sống cổ đến giữa lưng của chị H. bị rỗng tủy, là nguyên nhân gây đau cổ vai gáy thường xuyên.

Chị H., 41 tuổi là nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Hai tháng nay, chị thường xuyên đau vùng cổ gáy, nhức vai phải.

Ban đầu chị nghĩ do công việc ngồi nhiều gây mỏi cơ, tuy nhiên ngay cả khi thư giãn, cân đối nghỉ ngơi kết hợp xoa bóp và chườm ấm, tình trạng bệnh vẫn không giảm. Hơn 1 tuần trở lại đây, chị phát hiện tay phải tê bì tăng dần.

Khi đi khám, bác sĩ phát hiện chị có thêm nhiều triệu chứng bất thường khác như mất cảm giác nóng lạnh tay phải, mất cảm giác đau tay phải dù đứt tay, phản xạ gân xương cũng suy giảm nghiêm trọng.

Bác sĩ chỉ định làm thêm cộng hưởng từ (MRI), phát hiện cột sống từ cổ gáy đến giữa lưng hình thành các hốc rỗng chứa đầy dịch tủy. Đây là biểu hiện đặc trưng của căn bệnh rỗng tủy (Syringomyelia) – một bệnh mạn tính hiếm gặp ở tủy sống với tỉ lệ 8,4/100.000 người, tập trung ở độ tuổi 20-50.

Tưởng đau cổ vai gáy, đi khám phát hiện căn bệnh có thể gây liệt tay

Hình ảnh chụp MRI cột sống của chị H. không phát hiện tủy sống một đoạn dài

Để điều trị, bác sĩ kê cho bệnh nhân dùng các vitamin nhóm B, thuốc giảm triệu chứng đau mỏi, tê bì và yêu cầu khám định kỳ 2 tháng/lần, chụp MRI 6 tháng/lần để đánh giá.

Bệnh nhân cũng được khuyến cáo hạn chế các công việc cúi ngửa nhiều hay cần sự tinh tế ở bàn tay phải.

TS.BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh Cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, rỗng tủy là bệnh mạn tính ở tủy sống do đoạn tủy sống hình thành hốc rỗng khiến dịch não tủy tích lại, hình thành các khoang hoặc nang hốc. Theo thời gian, các hốc này lớn dần, gây hủy hoại tủy.

Có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh rỗng tủy, trong đó phần lớn không xác định được nguyên nhân. Các trường hợp còn lại có liên quan đến dị tật cột sống bẩm sinh, sau chấn thương, phối hợp với não úng thủy, dị dạng cổ chẩm, viêm tủy sống thắt lưng, nang hố sau…

Theo TS Vũ, rỗng tủy thường gây rối loạn vận động, cảm giác và dinh dưỡng. Bệnh có thể gặp ở cổ, ngực và thắt lưng, tuy nhiên tỉ lệ gặp nhiều nhất nằm ở ranh giới giữa tủy cổ và tủy ngực.

Những triệu chứng đầu tiên của bệnh thường ảnh hưởng đến gáy, vai, cánh tay và bàn tay, bao gồm yếu cơ, teo cơ và mất phản xạ gân cơ. Đôi khi bệnh nhân mất cảm giác đau hoặc nóng lạnh, đặc biệt là ở bàn tay. Ngoài ra có thể gặp tình trạng cứng gáy, rối loạn đại tiện, tiểu tiện…

“Để phát hiện được bệnh, cần chú ý đến các dị cảm rối loạn cảm giác, khác hoàn toàn với mất cảm giác hoặc cảm giác kém”, TS Vũ chia sẻ.

TS Vũ cho biết, rất nhiều bệnh nhân mô tả, bản thân như đang bị giòi bò dưới da, giòi trong xương hay da lúc nào cũng dấm dứt như có vật gì chọc, thậm chí có người phải thay quần áo vì cứ hễ mặc vào là có cảm giác như có gai đâm vào da thịt.

Đa phần bệnh nhân rỗng tủy đến khám muộn và thường bị nhầm với bệnh khác như bệnh chèn ép rễ thần kinh.

Để phát hiện căn bệnh rỗng tủy, chụp MRI cột sống và tủy sống là công cụ đáng tin cậy trong chẩn đoán. Trong một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiêm chất cản giúp phân biệt hình ảnh của khối u hay các bất thường khác.

Bệnh rỗng tủy chưa có phương pháp điều trị triệt để. Hiện có 2 phương pháp chính là nội khoa và ngoại khoa. Nội khoa giúp điều trị triệu chứng. Khi điều trị nội khoa không đỡ sẽ phải phẫu thuật, hút dịch trong ống rỗng, giúp giải phóng chèn ép, giúp bệnh ngừng tiến triển.

Nếu không can thiệp, những trường hợp này sẽ yếu tay chân tăng dần, mất cảm giác bàn tay và đau, yếu mạn tính. Nếu bệnh nhân rỗng tủy tái phát bệnh sau phẫu thuật, có thể cần phải phẫu thuật thêm.

Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần chủ động đi thăm khám khi đau mỏi vai gáy kéo dài, không đỡ ngay cả khi nghỉ ngơi; đau sau chấn thương, đặc biệt vùng đầu và cột sống; xuất hiện tê bì, yếu cơ, mất cảm giác nóng, lạnh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đau cổ vai gáytê liệtThần kinh cột sống

Các tin liên quan đến bài viết