Đối với tướng cướp như Bạch Hải Đường, việc ăn trộm trong biệt thự có hàng chục lính gác cũng chỉ dễ như ra chợ mua đồ.
Trong ba năm đi làm lơ xe đò cho chủ xe Tam Hữu, cậu thiếu niên Nguyễn Ngọc Truyện đã nếm đủ mùi vị cay đắng của cuộc đời. Truyện từng ăn cơm hàng cháo chợ, từng ngủ bụi ở bến xe, từng chứng kiến những vụ thanh toán nhau để tranh giành bến bãi, lãnh địa bảo kê.
Cũng từng ấy năm, theo lộ trình xuôi ngược từ Long Xuyên – Cần Thơ – Vĩnh Long – Sài Gòn và ngược lại, Nguyễn Ngọc Truyện đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm quý giá của cuộc sống. Lúc này, hắn học được ở đó những bài học cay đắng nhiều hơn là niềm vui.
Cuộc sống nghèo túng của tướng cướp
Ở môi trường bến bãi, bản tính lầm lỳ, ít nói từ thủa ấu thơ giờ đã được phát huy ở chàng thanh niên mới lớn. Truyện sớm va chạm với trường đời và luôn cảnh giác, dè chừng và lạnh nhạt theo kiểu bất cần với xung quanh. Hắn thu mình như con cọp trước lúc tấn công. Nhưng bản tính lương thiện, Truyện vẫn chống đối ngầm những kẻ ác, ỷ sức mạnh ức hiếp người thân cô, thế cô. Nhờ học được những miếng võ phòng thân, Truyện đủ sức mạnh và sự gan lỳ để không bị các “đại ca” bến bãi hiếp đáp. Nhưng môi trường này không giúp được cho Truyện tiến thân ngoài sự tủi nhục ê chề.
Lúc này, Nguyễn Ngọc Truyện vẫn là người lương thiện. Cũng cần nói rõ thêm về sự đồn thổi quanh huyền thoại tướng cướp Bạch Hải Đường (Nguyễn Ngọc Truyện) sau này. Đó là trước năm 1975, người dân cho rằng ông Nguyễn Văn Của, cha Truyện xuất thân là một tướng cướp. Tuy nhiên, thực tế, ông Của (đã nhắc đến kỳ trước – PV) là một người hiền lành, chí thú làm ăn, kiếm tiền bằng sức lao động của mình để nuôi vợ con. Một vai ông gánh nặng bảy miệng ăn bằng việc chạy chợ. Ông Của bán sức lực và mồ hôi nhưng cái nghèo cứ đeo bám đôi vợ chồng này. Ông Của đã đặt hết hy vọng vào đứa con trai Nguyễn Ngọc Truyện. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, đứa con trai của ông không đi đúng con đường mà hai vợ chồng nghèo này mong đợi.
Năm 19 tuổi, Nguyễn Ngọc Truyện đã trở thành một chàng trai cao ráo, trắng trẻo, khỏe mạnh và khá đẹp trai. Nghề lơ xe đã giúp Truyện có điều kiện quen nhiều cô gái buôn bán đường dài. Trong số đó có nhiều cô nàng gia đình giàu có lại mê tít anh lơ xe lầm lỳ, ít nói nhưng có nụ cười thu hút người đối diện như một thỏi nam châm. Tuy nhiên, Truyện không có thời gian để chạy theo những mối tình dọc theo các bến bãi mà chiếc xe đò Tam Hữu ghé qua. Lúc này, Truyện đã tới tuổi động viên đi quân dịch. Ngặt một nỗi, anh chàng lại rất ghét mặc đồ lính. Sau này, do phải trốn quân dịch nên Truyện không theo nghề lơ xe nữa.
Tướng cướp Bạch Hải Đường biểu diễn tài mở còng trong nhà tù
Một thời gian gắn bó trên những chuyến đường dài, Truyện đã gặp gỡ được mối tình đầu. Đó là cô gái Hồ Thị Lãnh quê Thốt Nốt. Hai người yêu nhau rồi thành vợ chồng. Truyện đã theo vợ về Thốt Nốt để mưu sinh. Hàng ngày, hắn vừa chạy xe lôi vừa lo trốn lính. Rồi họ có với nhau hai đứa con kháu khỉnh. Như bao người cha khác, Truyện rất thương con, thương vợ, sống có trách nhiệm. Nhưng nghề chạy xe lôi lượm bạc cắc không giúp hai vợ chồng thoát khỏi kiếp kham khổ và lo chu đáo cho hai đứa con nhỏ dại. Sự thiếu thốn đeo bám khiến hai đứa con của Truyện luôn đau ốm. Mỗi lần đưa con vào bênh viện, Truyện lại chứng kiến sự phân chia giai cấp giàu nghèo rõ nhất. Người ta thường bảo, bệnh viện là “nhà thương”. Tuy nhiên, các bác sĩ, y tá chỉ thương con nhà giàu chứ con nhà nghèo bị đối xử lạnh nhạt. Nhiều lần không đủ tiền thuốc men, trả viện phí cho con, Truyện cảm thấy hết sức tủi nhục và quyết tâm không để cảnh này tái diễn. Truyện đưa vợ con về lại Long Xuyên, thuê một chiếc xe lôi chở khách kiếm sống và quyết tìm cho mình một lối thoát.
Nhìn lại hoàn cảnh của mình, một căn nhà mướn lụp xụp, tối tăm, vợ con thiếu ăn thiếu mặc thậm chí cái màn chống muỗi cũng không mua nổi, người chồng này lại thấy chạnh lòng. Quyết tâm đi tìm lối thoát càng nung nấu và Truyện đã tìm đến những thằng bạn đồng cảnh ngộ bàn mưu tính kế. Đó là những cái tên và sẽ là bạn đồng hành của tướng cướp Bạch Hải Đường sau này như: Nguyễn Văn Năng, Trung, Triệu, Tâm, Sơn…Việc đầu tiên của nhóm này nghĩ ra là ăn trộm. Chúng cho rằng, ăn trộm xe máy ngoài đường là dễ nhất.
Cảnh sát bó tay trước “người nhện”
Chỉ trong hai năm 1970-1971, nhóm tội phạm này đã “chôm” được 20 chiếc xe máy. Điều đáng nói là ngoài việc trộm xe ngoài đường, Nguyễn Ngọc Truyện đã nghĩ ra cách “nhập nha”. Nghĩ là đột nhập vào nhà để ăn trộm. Lần đầu tiên trong bước đường “nhập nha”, Nguyễn Ngọc Truyện đã đột nhập vào khu nhà cho người Mỹ thuê tại Long Xuyên. Thấy “ngon ăn”, Truyện tiếp tục làm “người nhện” đu tám lần vào đây và lấy được năm cái tivi, năm máy quay băng, ba radio, ba máy ảnh…. Số vụ “nhập nha” sau đó, chủ yếu do Nguyễn Ngọc Truyện đóng vai trò chính, những tên khác ở vòng ngoài canh gác, chuyển đồ ra ngoài. Số tài sản lấy được, Truyện đem bán rồi chia nhau. Hàng loạt vụ “nhập nha” vào khu nhà thuê của người Mỹ ở đã gây hoang mang dư luận và làm “nóng đầu” lực lượng cảnh sát lúc đó.
Trong một đợt ra quân, truy quét tội phạm, trấn áp bọn “nhập nha” nhằm gỡ lại uy tín cho cảnh sát và cũng để lấy lòng người Mỹ, cảnh sát Long Xuyên đã “hốt” được Tâm. Truyện và Năng nhanh chân trốn thoát.
Trong số địa điểm Nguyễn Ngọc Truyện đã từng “nhập nha” trót lọt, lấy được nhiều tài sản có một khu dinh thự kín cổng cao tường của một bác sĩ ở Long Xuyên. Tòa nhà này do có nhiều người nước ngoài ở nên có cảnh sát gác 24/24 để bảo vệ. Sau vài tiếng đồng hồ điều nghiên, đợi đêm xuống, Nguyễn Ngọc Truyện hành động. Do khu dinh thự này nằm cạnh chùa Bình An nên hắn chọn hướng xuất phát từ đó. Truyện leo lên mái chùa rồi từ đây trèo qua mái nhà khu dinh thự. Hắn trổ nóc nhà leo xuống trong lúc cảnh sát vẫn túc trực gác bảo vệ ở cổng trước. Truyện từ nóc nhà “phi thân” xuống một căn phòng sang trọng và thấy một ông “Tây” đang ngủ say sưa. Hắn nhẹ nhàng như con mèo, thu gom hết đồ đạc, tài sản trong căn phòng rồi “thăng thiên” trở ra lối cũ tẩu thoát. Tất cả đồ đạc, tài sản lấy cắp được Truyện nhanh chóng chuyển cho Năng tẩu tán rồi cả bọn biến mất. Mãi sáng hôm sau ông “Tây” mới biết nhà bị trộm viếng. Cả khu dinh thự kín cổng cao tường có cảnh sát túc trực bảo vệ tá hỏa. Hóa ra căn phòng mà người nhện Truyện đột nhập là của một bác sĩ người Úc.
Một tuần sau, do túng thiếu Nguyễn Ngọc Truyện lại có ý định đột nhập vào khu nhà này một lần nữa. Nghĩ là làm, Truyện đi điều nghiên rồi quyết định hành động. Sau vụ Truyện đột nhập lần trước, lực lượng bảo vệ đã được tăng cường nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với Truyện “người nhện” thì có lính gác cũng như không. Lần này anh ta vào đúng căn phòng của một bác sĩ người Mỹ, hốt sạch tài sản gồm quần áo, máy ảnh, máy cassette, đô la. Truyện nhìn thấy khẩu súng ngắn để trên bàn nhưng không lấy. Hắn nghĩ trộm “chó lửa” bán cũng chẳng ai dám mua.
Sau đó hầu như những người nước ngoài thuê phòng trú ngụ trong ngôi dinh thự này đều ngao ngán, chọn cách…dọn đi nơi khác ở cho chắc ăn. Họ không còn tin vào sự bảo vệ của cảnh sát trực gác suốt ngày đêm nữa.