Các bức tượng 12 con giáp đặt trong khu du lịch quốc tế Hòn Dáu (Hòn Dấu – Đồ Sơn, TP Hải Phòng) bỗng đột ngột… nổi tiếng trước làn sóng bình luận của cư dân mạng xã hội.
Muốn có được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng thì phải có giám tuyển và hội đồng nghệ thuật, như vậy mới không xảy ra tình trạng như tượng 12 con giáp
Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG
Trong khi nhà điêu khắc Trần Minh Tuấn – cha đẻ của các bức tượng – cho rằng ông tạo ra tượng 12 con giáp nude này “để ca ngợi vẻ đẹp đầy đủ, nguyên lành của chính con người chúng ta”, có những du khách đến xem tượng lại phản ứng về sự phản cảm của các bức tượng khi các điểm “nhạy cảm” được tạc thô kệch.
Theo ông Hoàng Văn Thiềng – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu, về mặt cá nhân ông thấy các bức tượng này thể hiện được ý nghĩa văn hóa phồn thực và tạo nét mới, nét độc đáo cho khu du lịch của mình nên quyết định trưng bày.
Dù vậy, trước những phản ứng trái chiều của dư luận cũng như đáp ứng yêu cầu từ cơ quan chức năng của TP Hải Phòng, lãnh đạo công ty quản lý khu du lịch này đã quyết định dùng những chiếc quần tắm che lại các điểm “nhạy cảm” trên các bức tượng 12 con giáp.
Việc mặc quần cho tượng này lại khiến nhiều người tiếp tục phản ứng vì giải pháp che đậy thiếu thẩm mỹ, nhìn phản cảm hơn hẳn những bức tượng trong tình trạng trần trụi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-3, ông Phạm Văn Luân – chánh thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng – cho biết trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục yêu cầu công ty bố trí, sắp xếp không gian riêng để trưng bày các bức tượng và có biển cảnh báo, giới hạn tuổi tham quan khu trưng bày này.
Không bàn chuyện phơi bày hay che đậy các điểm nhạy cảm, ở góc độ chuyên môn, điêu khắc gia Hoàng Tường Minh nhận định: “Nhìn những bức tượng đó, tôi không hiểu họ muốn chuyển tải gì.
Tính chất trang trí cũng không có, vì nó không đẹp. Về mặt ý tưởng thì chẳng đâu vào đâu, không ăn nhập vào nội dung gì. Nếu nói kết hợp tượng 12 con giáp với văn hóa phồn thực thì tôi thấy đó chẳng phải.
Không phải tạc tượng như vậy thì gọi là văn hóa phồn thực. Tôi nghĩ những tượng như vậy không nên bày nơi công cộng vì không đẹp, nhìn thấy chẳng hay ho gì hết”.
Cùng quan điểm với điêu khắc gia Hoàng Tường Minh, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng tư duy đầu thú mình người và chất liệu điêu khắc đá không mới. “Mục đích cuối cùng của làm nghệ thuật là làm đẹp. Tuy nhiên, những bức tượng ở Hòn Dáu không đẹp, phản cảm thì nên bỏ”.
Nguồn: tuoitre.vn