Nhiều doanh nghiệp lớn tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản… đã và đang thí điểm mô hình tuần làm việc 4 ngày để đánh giá hiệu quả thực sự và tính khả thi áp dụng lâu dài của nó.
Ý tưởng làm việc chỉ 4 ngày 1 tuần nhưng hiệu quả không giảm đã được bàn thảo từ lâu. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đã là chất xúc tác đặc biệt khiến ý tưởng này được khơi lại mạnh mẽ thời gian qua.
Nhật dẫn đầu xu thế
Nhật Bản, quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc chăm chỉ, kỷ luật và kéo dài nhiều giờ hiện cũng đang trong nhóm dẫn đầu xu thế này. Mới nhất, một số doanh nghiệp lớn nhất của Nhật đã chính thức thực hiện tuần làm việc ít ngày hơn.
Cụ thể, trong tháng 4 Tập đoàn Hitachi thông báo triển khai tuần làm việc 4 ngày với khoảng 15.000 nhân viên ngay trong năm tài chính hiện tại (sẽ kết thúc vào tháng 3-2023). Cũng trong tháng 4, nhà phát triển game Game Freak (nổi tiếng với game Pokemon) đã đề xuất kiểu làm việc mới này tới một số nhân viên.
Các công ty khác như Panasonic Holdings, NEC, Mizuho Financial Group, Fast Retailing và Uniqlo cũng đang cân nhắc những biện pháp tương tự.
Theo Hãng tin Kyodo, trong văn bản định hướng chính sách kinh tế thường niên năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản cho biết họ khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra cơ chế được lựa chọn tuần làm việc 4 ngày cho người lao động, vì điều đó còn thúc đẩy những thay đổi tích cực hơn trong quyết định lập gia đình, có con của giới trẻ Nhật.
Tại Indonesia, từ năm ngoái ngân hàng cho vay ngang hàng Alami đã giới thiệu mô hình tuần làm việc 4 ngày tới các nhân viên như một giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần và hiệu quả làm việc.
Sớm hơn nữa phải kể tới Công ty giáo dục Eduwill của Hàn Quốc khi từ năm 2019 đã trở thành doanh nghiệp đi đầu thực hiện tuần làm việc ít ngày hơn.
Thực tế, chính sáng kiến của Eduwill đã gợi ý cho bà Sim Sang-jung, một trong các ứng cử viên tranh cử tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 3 vừa rồi đề xuất kế hoạch tuần làm việc 4 ngày như một trong những chính sách chủ chốt của bà.
Trong khi đó tại Ấn Độ cũng đang chuẩn bị thực thi 4 luật lao động mới trong năm nay, được đánh giá sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới số giờ làm việc và thu nhập. Theo đó, người lao động được lựa chọn làm việc 4 ngày 1 tuần, dù tổng số giờ làm việc không đổi, mỗi tuần vẫn là 48 giờ.
Cần thêm thời gian đánh giá
Ông Dave O’Farrell – lãnh đạo Công ty O’Farrell Career Management, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) – cho rằng ở những công việc lao lực về thể chất, tuần làm việc 4 ngày, thậm chí 3 ngày có thể sẽ trở nên phổ biến, nhưng với các công việc bàn giấy dường như tư duy này chưa dễ được chấp nhận.
Chuyên gia này nhắc lại ví dụ thành công từ năm 2019 khi chi nhánh Công ty Microsoft tại Nhật (Microsoft Japan) đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày và nhận thấy năng suất công việc tăng 40% trong khi tiêu thụ điện giảm 23%.
“Với mức tăng hiệu suất công việc và sự hài lòng của người lao động, có lẽ không cần tranh cãi về hiệu quả, nhưng hẳn nhiên tuần làm việc 4 ngày sẽ không thực tế với mọi ngành nghề hay công ty”, ông Dave O’Farrell nói.
Tuy nhiên cũng có những lý do để một số người nghi ngờ việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày sẽ được phổ biến. Chẳng hạn, khảo sát của Công ty Mynavi trong tháng 2-2022 cho biết khoảng 78,5% người lao động trong độ tuổi 20 – 50 ở Nhật nói không muốn nghỉ thêm nếu bị giảm lương.
Cùng với đó, khoảng 60,1% trong số 800 người tham gia khảo sát cho rằng tại nơi làm việc của họ khó có thể áp dụng tuần làm việc 4 ngày vì khối lượng công việc quá nhiều, nếu nghỉ vậy sẽ không đủ người làm việc.
Bà Hiromi Murata, chuyên viên cao cấp tại viện nghiên cứu độc lập Recruit Works Institute, cho rằng tuần làm việc 4 ngày cũng đặt ra những thách thức kèm theo như khó khăn trong việc quản lý các ca làm việc, thiếu sự liên lạc giữa các nhân viên.
“Cách thức này có mang lại lợi ích không và ở mức nào thì còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực ngành nghề và kiểu công việc tại mỗi nơi. Các công ty Nhật Bản có thể áp dụng ý tưởng này như một cách thử nghiệm để xem chúng có hiệu quả với họ không”, bà Murata nói.
78%
Nhiều kết quả khảo sát người lao động gần đây cho thấy một trong những thay đổi chính sách nhiều người mong đợi nhất là được giảm số ngày làm việc.
Công ty dịch vụ nhân sự lớn tại Nhật Persol Holdings đã hỏi ý kiến khoảng 1.000 lao động về các chính sách họ chờ đợi nhất, theo đó 23,5% nói muốn có tuần làm việc từ 3 – 4 ngày.
Khảo sát vào tháng 2-2022 của Hãng nghiên cứu thị trường Milieu Insight tại châu Á cho thấy 78% số người được hỏi ở Việt Nam và 69% tại Indonesia cũng bày tỏ mong muốn tương tự.
Nguồn: tuoitre.vn