Học sinh đang học thì bị out hay đăng nhập mãi không được, bố mẹ quay cuồng giúp con in bài, chụp ảnh đến quay cả clip để báo cáo thầy cô. Nhiều người khác đành cho con học qua điện thoại vì không có máy tính, máy in…
Tính đến ngày 13-4, việc chính thức học trực tuyến tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã được một tuần. Một tuần ấy đã ghi nhận nhiều bất hợp lý và khó khăn…
Nhiều rối rắm do triển khai cập rập
Chị Minh Khuyên ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), có hai con học Trường tiểu học K.Đ, cho biết nhà trường mở học trực tuyến hôm 6-4, mới học được một tuần nhưng thực sự thấy rất mệt mỏi và còn nhiều điều chưa ổn.
Theo chị Khuyên, đầu tiên là việc in bài tập của con. Nội dung bài in khá nhiều, ngày ít cũng 4-5 trang, còn ngày nhiều như cuối tuần vừa rồi phải in tới vài chục trang, riêng toán với tiếng Việt mỗi môn hơn chục trang, chưa kể một số môn phụ khác.
“Khổ nỗi việc in còn liên quan tới mực in, giấy in trong khi các cửa hàng văn phòng phẩm đều đóng cửa chống dịch, không có chỗ để mua”, chị nói và cho rằng với những môn đã có bài tập trong sách giáo khoa như toán lẽ ra cô chỉ cần cho con làm bài tập trong sách thay vì ngày nào cũng in, “không hiểu sao in nhiều thế”.
Vấn đề lớn hơn là việc sử dụng hệ thống học trực tuyến (phần mềm Zoom). Rất nhiều trường công sử dụng phần mềm Zoom miễn phí, trong khi tài khoản miễn phí này thường giới hạn cả về chất lượng và số lượng học sinh.
Cụ thể, hệ thống miễn phí này chỉ “tiếp nhận” khoảng 40 học sinh, những học sinh “vào học” – đăng nhập muộn là không thể vào được, trong khi nhiều trường công đều có số học sinh khá đông, trung bình mỗi lớp lên tới 50 – 60 em. Thế là lớp học 60 học sinh thì chỉ có 40 – 45 em vào học được, còn lại phải đợi thầy cô gửi tài liệu mới có thể học.
“Như buổi sáng hôm qua (13-4), giờ vào học là 8h nhưng đến 8h30, 8h40 vẫn nhiều phụ huynh “réo” trong group (nhóm) phụ huynh trên Zalo về việc con không đăng nhập được. Hay nhiều hôm con đang học bài thì bị out, có tiết học bị out nhiều lần, đến khi đăng nhập vào được thì hết mất tiết học. Thậm chí có lúc cô đang nói bị tắt đột ngột con không nhìn thấy cô đâu nữa”, chị Minh Khuyên kể.
Chị N.H.A ở quận Đống Đa có con học lớp 5 cũng than phiền: do giới hạn mỗi tiết học là 40 phút nên cứ hết tiết của thầy cô này lại đến tiết của thầy cô khác, mà mỗi người dạy lại khác nhau. Có hôm khi hết tiết của cô toán, cô tin vào đăng nhập và làm “host” để dạy nhưng “host” tới 20 phút mới vào được, vậy là học sinh lại mất nửa tiết học.
“Ngoài ra chất lượng hình, âm thanh kém của phần mềm học như thường bị rung giật nên cũng ảnh hưởng đến việc học của con”, chị N.H.A thông tin.
Nhiều phụ huynh cũng phản ánh các môn kỹ năng như kỹ thuật, hát, vẽ, thủ công, thể dục, thầy cô giáo không dạy mà yêu cầu các con tự học, sau đó bố mẹ quay clip để gửi cho thầy cô, trong khi bố mẹ không có kỹ năng dạy nên cũng lúng túng và mất thời gian. Có phụ huynh thậm chí phải thức đến tận đêm đợi con làm bài xong để in bài gửi cho cô vì nếu không thì con không hoàn thành việc học.
“Tiền đâu mà mua máy tính, máy in?”
Học sinh học trực tuyến cần có đủ các thiết bị như máy tính, loa, tai nghe có micro, máy in – một bộ như vậy rẻ nhất cũng xấp xỉ 10 triệu đồng. Với những gia đình có hai ba con nếu học cùng buổi thì đồng nghĩa với việc phải có hai ba bộ thiết bị để học như vậy.
“Bố mẹ nào cũng cố gắng đầu tư cho con học hành nhưng nhiều khi ăn còn chưa đủ thì đùng cái tiền đâu ra để mua máy tính, máy in cho con tới cả chục triệu đồng”, chị H.T ở Khương Đình, Thanh Xuân, với nghề chính là buôn bán rau ngoài chợ, bùi ngùi nói. Giải pháp của chị là đành mua cho con chiếc smartphone giá rẻ để con học online.
Chị Trần Thùy Lan ở Khương Đình (Thanh Xuân) làm nghề gội đầu cho biết con chị học lớp 3 nhưng cũng chỉ cho học qua điện thoại. “Con học được đến đâu thì học, thất học cũng chịu chứ tiền đâu mà mua máy tính máy in. Mà có máy tính máy in cũng không biết tải tài liệu, in ấn kiểu gì”, chị Lan nói.
“Qua hệ thống học thấy có rất nhiều gia đình truy cập bằng điện thoại, chứng tỏ nhiều nhà không có máy tính để bàn hay laptop cho con học”, chị Minh Khuyên cho biết.
Trong khi đó khi thầy cô soạn giáo án chủ yếu trên máy tính nên khi phóng to bài giảng lên cho các con nhìn thì qua điện thoại chữ rất bé, khó nhìn, phải nhìn gần và cũng sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Anh Dương Đình Nam ở Ứng Hòa, Hà Nội cho biết nơi anh ở không quá nghèo nhưng việc mua máy tính, máy in cho con học cũng hạn chế, thêm nữa bố mẹ cũng không biết sử dụng thế nào. Những vùng khó khăn hơn như thôn bản, các xã vùng sâu vùng xa thì càng khó cho con học online.
Ngoài những khó khăn trên, nguồn cung các thiết bị cho học online đặc biệt như webcam, tai nghe, mic, máy in hiện đang khan hiếm do nhu cầu quá lớn, trong khi việc nhập khẩu từ Trung Quốc lại khó khăn và không có hàng, do vậy nhiều phụ huynh muốn mua thiết bị cho con cũng không có để mua.
Nguồn: tuoitre.vn