Bà P.T.L. (66 tuổi, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đứng trước cánh cửa bị ném bể hết kiếng |
Vay nặng lãi, hay còn gọi “lãi nóng, lãi đứng”, là một thực tế phổ biến trong giao dịch dân sự hiện nay. Số lãi cho vay cao gấp hàng chục lần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng do người dân có nhu cầu bức bách, nên trong nhiều trường hợp họ vẫn phải chấp nhận vay. Tuy nhiên trong thực tế rất khó xử lý hành vi cho vay nặng lãi.
Cuối năm 2016, chủ nợ đến nhà đòi mẹ con chị T. phải giao căn nhà đang ở, hoặc phải trả nợ 250 triệu đồng. Choáng váng với số tiền nợ gốc và lãi cao ngất, mẹ con chị T. thương lượng giảm bớt tiền lãi để cố gắng trả nhưng bất thành .Trong khi chị T. đi làm công nhân, mẹ bán lặt vặt ở chợ nên không thể kiếm đâu ra số tiền lớn đến thế. Sau nhiều lần đe dọa, trong tháng 12-2016 nhóm người của chủ nợ đến nhà cắt cổng rào, xịt sơn, đập phá rồi bỏ đi trước khi công an đến. Quá sợ hãi vì nhà chỉ có hai mẹ con thân cô thế cô, chị T. đã chạy vạy vay mượn khắp nơi để trả số nợ trên. Không yên tâm cho vay lãi dài hạn, một số đối tượng cho vay lãi tại TP.HCM thường tính cho vay lãi nóng theo ngày. Cứ 1 triệu đồng cho vay thì mỗi ngày sẽ thu 3.000 – 5.000 đồng tiền lãi. Các đối tượng chỉ cho vay trong thời hạn từ 10 ngày đến 1 tháng, sau đó đòi cả gốc và lãi để cho người khác vay lại. Nếu muốn vay số tiền lớn thì phải có người thân quen, uy tín bảo lãnh mới được vay. Đầu năm 2017, do cần vốn làm ăn nên anh Nguyễn Minh Huy (ngụ đường số 20, quận Bình Tân) phải nhờ người quen cùng quê giới thiệu với người chuyên cho vay lãi nóng ở Đồng Nai để vay gần 1 tỉ đồng, lãi suất 4%/tháng. Tuy nhiên người quen của anh báo lại chỉ cho vay được 500 triệu đồng, nửa còn lại phải 2 tháng sau mới có. Đến tháng sau, chủ cho vay thông báo tiền khan hiếm nên lãi suất tăng lên 5%/tháng. Vì cần vốn làm ăn nên anh Huy cắn răng chấp nhận. Anh Huy cho biết: “Lãi cao như vậy nhưng không phải ai cũng vay được, phải có người quen biết, uy tín bảo lãnh cho mình để tránh tình trạng bị giựt nợ hoặc dính dáng đến pháp luật. Sau này mình không trả được thì người bảo lãnh cho mình sẽ phải đứng ra trả thay”.
Khó xác định
Bộ luật hình sự hiện hành quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột thì phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Theo TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật – Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), thực tế khái niệm “có tính chất chuyên bóc lột” là rất mơ hồ và khó xác định. So với Bộ luật hình sự hiện hành thì Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi theo hướng nghiêm khắc hơn đối với tội cho vay nặng lãi. Cụ thể, luật mới đã loại bỏ quy định dấu hiệu có tính chuyên bóc lột, đồng thời quy định người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự để thu lợi bất chính thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng. Theo ông Hưng, đối với hành vi cho vay nặng lãi hoàn toàn có thể triệt tiêu bằng giải pháp phi hình sự như tạo điều kiện thông thoáng trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, để hành vi này không có cơ sở tồn tại. Bên cạnh đó, cần quy định theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng của tội cho vay lãi nặng, chỉ tội phạm hóa hành vi này đối với những người lợi dụng tình trạng quẫn bách, sự nhẹ dạ của người khác để cho vay lãi nặng. |
Nguồn: tuoitre.vn