Chỉ trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước dẫn đến những cái chết thương tâm cho trẻ. Câu hỏi đặt ra là vì sao các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin cảnh báo, phân tích và tư vấn cách phòng chống, nhưng dịp hè nào ở Bình Phước cũng xảy ra vài ba vụ đuối nước đau lòng!?
Vụ gần đây nhất là ngày 28-5, em Hàn Thị Nhật Ánh, học sinh lớp 6 Trường THCS-THPT Tân Tiến (Bù Đốp), trong chuyến đi nghỉ hè với gia đình ở Mũi Né (Bình Thuận) cùng 2 bạn khác đi tắm tại hồ nước thuộc khu Resoft Blua Bay – Mũi Né đã bị đuối nước. Thấy Ánh bị chìm dần, một trong hai em đi cùng đã lặn xuống kéo bạn lên nhưng không được. Đến lúc đó, em còn lại mới chạy đi tìm người ứng cứu nhưng quá muộn, Ánh đã tử vong. Đáng nói là em Ánh đi nghỉ mát cùng gia đình chứ không phải tự đi tắm một mình, thế nhưng do thiếu sự giám sát của người lớn và do các em thiếu kỹ năng sống nên đã thiệt mạng. Trước đó, vào ngày đầu tháng 5 tại xã Long Tân (Phú Riềng), em Trần Đức Đông (2007), ngụ tổ 3, thôn 2, xã Long Tân đã không nghĩ đến tính mạng của mình để cứu 4 bạn khỏi bàn tay thủy thần khi các em tắm hồ. Nhưng lúc bơi ra cứu người bạn cuối cùng, ở nơi xa nhất thì Đông kiệt sức nên cả 2 em đều thiệt mạng. Chỉ hai tuần sau, 4 em nhỏ ở xã Bình Thắng (Bù Gia Mập) rủ nhau xuống ao nước gần nhà bắt nòng nọc và kết quả là 3 em đã tử vong.
Các bậc phụ huynh cần quan tâm dạy trẻ kỹ năng sống, nhất là về bơi lội, bởi trẻ em gặp tai nạn đuối nước rủi ro rất cao – Ảnh: K.B
Kỹ năng sống cho trẻ chẳng phải là điều gì quá cao siêu mà thực chất chỉ là giáo dục, định hướng cho trẻ cách ứng xử, giao tiếp qua những sự việc trong đời sống hằng ngày. Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn để các em thực hành từ những việc nhỏ nhất như quét nhà (lớp học), gấp áo quần, rửa chén bát, đóng cửa, tắt điện… Vì sao phải hướng dẫn các em làm những việc nhỏ ấy? Là bởi các em làm việc sẽ phải đổ mồ hôi. Việc các em tự cầm chổi trực nhật lớp rất có ích, vì đó cũng là cách rèn luyện để các em biết tham gia lao động. Các em có quét lớp thì mới thấy mệt nhọc, từ đó biết nhắc nhở các bạn không xả rác lung tung để giữ gìn vệ sinh chung. Khi về nhà, mới biết thương cha mẹ làm việc vất vả để không bày bừa ra nhà cửa, biết tự phục vụ bản thân những việc trong khả năng của mình một cách tự giác.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chung hiện nay là mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con nên các bậc ông bà, cha mẹ thường rất chiều chuộng con, cháu. Ở nhiều gia đình, ngoài việc học hành thì các em không phải động tay đến việc gì. Ngay cả đi ngủ, thức dậy, đánh răng rửa mặt, tắm rửa hay ăn uống, ông bà, cha mẹ đều phải canh me để nhắc nhở con, cháu. Nhiều bà mẹ khi con đã 16, 17 tuổi vẫn tự tay pha sữa mang vào tận phòng con, canh chừng con uống hết lại mang ly đi rửa. Đến bữa ăn thì ba mẹ thay nhau chất thức ăn vào chén, ép con ăn thật nhiều. Có em không biết áo quần, sách vở, đồ dùng cá nhân của mình để ở đâu, khi nào cần đến thì hỏi bà, hỏi mẹ… Nếu ông bà, ba mẹ không làm thì đã có người giúp việc. Kết quả là các em không biết làm việc gì, không tự sắp xếp thời gian hợp lý cho việc ăn, học, ngủ, nghỉ; không biết ứng phó khi có những tình huống bất chợt xảy ra.
Trở lại hai vụ việc đuối nước đau lòng khiến 5 em nhỏ thiệt mạng ở Long Tân (Phú Riềng) và Bình Thắng (Bù Gia Mập), nếu các em thường xuyên được ba mẹ, thầy cô nhắc nhở không được tự mình đi tắm sông, tắm hồ thì hẳn các em đã không dám xuống tắm khi không có người lớn đi cùng. Và khi đã xảy ra đuối nước, nếu các em được trang bị những kiến thức cơ bản để cứu người dưới nước như đưa cành cây, quăng dây xuống nước để bám vào; hoặc kêu người lớn ứng cứu ngay thì em Nhật Ánh ở Trường THCS-THPT Tân Tiến đã không thiệt mạng. Vì thế, thay vì trở thành ô sin, làm thay con cái tất cả mọi việc, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian để hướng dẫn các em tự làm những việc đơn giản, qua đó giáo dục các em ý thức trách nhiệm với gia đình, với nhà trường. Bên cạnh đó, cha mẹ, thầy cô cần thường xuyên cập nhật thông tin và đưa ra những tình huống thường xảy ra trong cuộc sống để giúp các em biết cách ứng phó.
Nguồn Báo Bình Phước