Sau khi suýt chết vì thầy lang gần nhà phán bị “ban cua”, cậu bé ngày nào quyết tâm theo ngành y và từng bước trở thành thủ lĩnh tại nơi chuyên tiếp nhận những ca bệnh truyền nhiễm rất nặng.

Từ cậu bé suýt chết vì "lang vườn" thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch

Một chiều tháng 2, phóng viên Dân trí đến khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ở nơi mà tiếng máy thở và thanh âm khẩn trương hồi sức dường như không bao giờ tắt, có bóng dáng một vị bác sĩ luôn chân đảo qua đảo lại các giường bệnh, kiểm tra tình trạng bệnh nhân.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 1

Bác sĩ Trương Ngọc Trung kiểm tra tình trạng bệnh nhân điều trị tại khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn (Ảnh: Hoàng Lê).

Nơi luôn có bệnh nhân “Cách ly”

“Anh cố hít vào thật sâu, thở đều. Hôm nay đã đỡ cứng người phải không…”, tiếng bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Trung (40 tuổi) vang lên vừa đủ nghe. Bên cạnh, người đàn ông nằm trên giường bệnh chỉ hồi đáp bằng cái gật đầu chậm chạp, vì không thể nói chuyện. Lúc mới vào điều trị, gần như các bệnh nhân tại khoa ICU đều có cùng cách giao tiếp như vậy.

“Bệnh nhân là anh S. 33 tuổi, quê Đồng Tháp, làm công nhân bên Campuchia, bị rớt gạch vào móng chân cái bàn chân trái. Anh ấy nhập viện vào ngày thứ 5 của bệnh trong tình trạng cứng hàm, gồng toàn thân, được chẩn đoán uốn ván nặng toàn phát, điều trị bằng thuốc kháng độc tố, kháng sinh, an thần liều cao, chống co giật, nhưng đến nay vẫn còn co gồng.

Bệnh nhân có thể tiến đến mở khí quản để hỗ trợ hô hấp, dự kiến phải nằm hơn 3 tuần nữa…”, bác sĩ Trung vừa chia sẻ, rồi bước nhanh vào một khu vực có dán 2 chữ “cách ly”.

Trong căn phòng đặc biệt, một bệnh nhân da đen nhẻm đang thở hổn hển khó nhọc. Đó là anh C. (44 tuổi, quốc tịch Campuchia), được chuyển từ một bệnh viện giáp ranh biên giới ở Long An đến TPHCM ngày 16/2, với tình trạng bệnh uốn ván nặng.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 2 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 3 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 4

Nhiều bệnh nhân uốn ván điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Đã quen thuộc với các trường hợp ngoại quốc này, 2 tay của vị bác sĩ di chuyển linh hoạt thay cho lời nói, vừa “bắt bệnh” vừa tìm cách biểu đạt, trấn an tâm lý người bệnh. Trong phút chốc, người đàn ông nhắm mắt lại, hợp tác theo y lệnh.

Bác sĩ Trung chia sẻ, hiện tại, khoa có gần 20 bệnh nhân uốn ván, còn lại là các bệnh nội khoa như sốt xuất huyết Dengue, nhiễm trùng huyết, viêm phổi biến chứng… Vì đặc thù liên tục tiếp nhận các ca bệnh truyền nhiễm nặng, bất kể có đại dịch hay không, đây là khoa luôn có phòng bệnh cách ly.

Quyết tam chọn ngành y sau khi suýt chết vì “lang vườn”

Đã ngót nghét 15 năm từ ngày ra trường, bác sĩ Trương Ngọc Trung gắn bó với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Nếu không biết chuyện, ít ai ngờ vị trưởng khoa “đầu sóng ngọn gió” tại đơn vị tuyến cuối chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam từng là một cậu bé gầy gò, hay đau ốm.

Bác sĩ Trung kể, mình sinh ra trong 1 gia đình làm nông tại huyện đảo Cần Giờ (TPHCM), từ nhỏ đã mang thể trạng yếu ớt. Đến nỗi năm lớp 1, bác sĩ Trung phải nghỉ cả học kỳ vì liên tục phát bệnh. Lo lắng cho con trai, cha mẹ dẫn anh đến một thầy lang gần nhà điều trị.

Sau khi bắt mạch chớp nhoáng, thầy lang phán cậu bé đã bị “ban cua”, muốn trị khỏi phải… bỏ cơm, chỉ được ăn khoai hoặc sợi hủ tiếu. Hơn 1 tháng sau khi thực hiện theo lời “lang vườn”, cơ thể đứa nhóc vốn dĩ đã gầy lại ngày càng xanh xao, tính mạng lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 5 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 6

Bác sĩ Trương Ngọc Trung đã có khoảng 15 năm gắn bó với công việc hồi sức bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nặng (Ảnh: Hoàng Lê).

Mãi đến khi cậu nhóc sang nhà người thân ở gần một trạm y tế phường, bà ngoại phát hiện cháu suy kiệt nên lập tức dắt sang cầu cứu một bác sĩ nhi đồng. “Bác sĩ ấy truyền dịch liên tục cho tôi nửa ngày, lại nói chuyện với cha mẹ để dừng cách trị bệnh thầy lang. Nhờ vậy, tôi mới có cơ may khỏe lại”, bác sĩ Trung nhắc chuyện cũ.

Từ thời điểm “chết hụt”, cậu nhóc 6-7 tuổi dần nhen nhóm trong lòng phải học ngành y, để ít ra cũng có kiến thức tự chăm sóc cho bản thân và người thân, không bị những kẻ mang mác “thần y” lừa đảo. Từ quyết tâm này, người con huyện đảo duy nhất ở TPHCM cố gắng học tập để đậu vào trường y danh tiếng.

6 năm học y, bác sĩ Trung ấn tượng 3 lĩnh vực Nội khoa, Nhi khoa và Ngoại thần kinh, vì thấy nhóm ngành này có tính ứng dụng cao. Đặc biệt, vị bác sĩ rất thích chuyên ngành Truyền nhiễm, vì chứng kiến nhiều bệnh nhân được chữa trị dứt điểm, thay đổi tình trạng nguy kịch một cách ngoạn mục trong thời gian ngắn.

Khi có cơ duyên vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Trung chủ động xin làm khoa Hồi sức người lớn – một trong những nơi áp lực bậc nhất tại bệnh viện. “Lúc đó, tôi chỉ muốn tiếp cận các ca nặng nề nhất, để có kinh nghiệm điều trị và phân loại bệnh, giúp cho chuyên môn mình được phát triển nhanh”, nam bác sĩ lý giải.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 7

Vị bác sĩ hết lòng với bệnh nhân, chăm sóc họ từng chút một (Ảnh: Hoàng Lê).

Và cũng chính những tháng ngày căng mình làm hồi sức, anh lại càng trăn trở với câu chuyện “sinh – tử”. Bác sĩ Trung vẫn nhớ mãi đêm trực ngày hôm đó, khi anh được các đồng nghiệp ở khoa Cấp cứu trẻ em mời sang hội chẩn một ca rối loạn nhịp nặng.

Cứ sau khi hồi sức, em bé có tim trở lại, nhưng vừa dừng lại lâm vào ngưng tim. Em bé được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, loạn nhịp tim. Cuối cùng, bệnh nhi không qua khỏi trong sự đau xót của ekip điều trị.

Cái chết của cháu bé khiến bác sĩ Trung nhận ra, mình cần học chuyên sâu thêm, để xử lý được những mặt bệnh phức tạp. Khoảng thời gian 2012-2020, bác sĩ Trương Ngọc Trung lần lượt học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 về Hồi sức cấp cứu, cũng như chú trọng tìm hiểu những bệnh lý về Nhi khoa, Nội khoa nói chung. Ngoài ra, anh còn nhận thêm công tác chỉ đạo tuyến và trực gác khối Hồi sức.

Lịch trình học tập và làm việc dày đặc, nam bác sĩ phải tiết kiệm thời gian từng chút một. Có đêm, anh cùng đồng nghiệp phải chạy đua thời gian đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp liên tục 4-5 ca uốn ván người lớn, viêm phổi nặng. Có lần vừa cấp cứu bệnh nhân xong, nhìn lên đồng hồ đã 1-2 giờ, bác sĩ Trung mới nhớ ra đã làm liên tục từ khi vào ca trực.

Cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch, viên phí “trăm triệu đồng”

Nhiều năm làm việc tại khoa Hồi sức, đồng thời không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chữa trị, bác sĩ đã cứu chữa thành công hàng nghìn bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Như trường hợp của một phụ nữ 54 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tháng 7/2023 trong bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6, biến chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết rải rác toàn thân và suy hô hấp nặng.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã khẩn trương can thiệp hỗ trợ hô hấp, truyền máu, điều trị hỗ trợ gan cùng hàng loạt các kỹ thuật phức tạp khác. Sau 1 tuần chống chọi tử thần, bệnh nhân qua giai đoạn nguy hiểm, các cơ quan bắt đầu hồi phục. Hai tuần điều trị, bệnh nhân xuất viện khỏe mạnh một cách ngoạn mục.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 8 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 9

Nhiều bệnh nhân nguy kịch đã được bác sĩ Trung cùng cộng sự cứu sống ngoạn mục (Ảnh: Hoàng Lê).

Đến tháng 10/2023, một chàng trai 22 tuổi (ngụ TPHCM) nhập viện vì sốt xuất huyết nặng, đã vào sốc, suy đa cơ quan trên cơ địa thiếu men G6PD (ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào hồng cầu). Ekip điều trị phải đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, lọc máu thay huyết tương, truyền máu và tiểu cầu rất nhiều đợt, bên cạnh dùng kháng sinh mạnh, chống sốc.

Ngoài ra, bệnh nhân là lao động tự do, không có bảo hiểm y tế, hoàn cảnh lại rất khó khăn. Vì bệnh nhân còn trẻ và có khả năng cứu sống, bác sĩ Trung quyết tâm xin chủ trương của lãnh đạo bệnh viện, phối hợp với phòng Công tác xã hội kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ viện phí.

Sau 34 ngày điều trị liên tục, bệnh nhân được cai máy, rút nội khí quản chuyển ra phòng thường. Và thêm 1 tuần nữa, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, viện phí hơn 200 triệu đồng cũng được giúp đóng đủ.

“Ngày xuất viện gia đình bệnh nhân đã đến tận nơi cảm ơn từng nhân viên y tế vì đã cứu sống con mình. Với tôi, món quà quý nhất là nụ cười của bệnh nhân khi khỏi bệnh, không gì đánh đổi được”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 10 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 11 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 12

“Món quà quý nhất là nụ cười bệnh nhân khỏi bệnh”, bác sĩ Trung chia sẻ (Ảnh: Hoàng Lê).

Song song đó, dù không được phân công chức năng điều trị cho người nước ngoài, nhưng thực tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vẫn tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh uốn ván từ một số nước (nhiều nhất là Campuchia).

Họ đa phần là người nghèo, kiến thức phòng bệnh chưa tốt, lại không có bảo hiểm ở Việt Nam, nên bệnh viện thường phải vận động thêm sự hỗ trợ từ những nguồn bên ngoài. Có lần, bác sĩ Trung phải gửi cả thư ngỏ cho đại sứ quán nước bạn ở TPHCM, để tìm kiếm cơ hội sống cho bệnh nhân.

Trăn trở vai trò của bác sĩ truyền nhiễm

Suốt thời gian dài gắn bó cùng khoa ICU người lớn, điều tự hào nhất với bác sĩ Trung là tinh thần và thái độ trách nhiệm khi làm việc của các nhân viên y tế tại đây. Họ luôn biết cách vượt qua áp lực, đồng thời liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, giúp việc điều trị đảm bảo sự khoa học, hiệu quả.

Mới đây, công trình “Chặng đường 30 năm để giảm tỷ lệ tử vong bệnh uốn ván tại các cơ sở y tế”, do khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn đóng góp phần lớn công sức được lọt danh sách đề cử giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam” lần thứ 4.

Theo bác sĩ Trung, bên cạnh điều trị tại chỗ tốt, công tác chỉ đạo tuyến cũng được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đẩy mạnh. Những năm gần đây, 2 điểm nóng của bệnh uốn ván là Đồng Nai và An Giang đã được bác sĩ Trung cùng cộng sự chuyển giao kỹ thuật thành công, giúp công tác điều trị và phòng chống bệnh tại các địa phương trên đạt nhiều kết quả khả quan.

Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 13 Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 14

Khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã có nhiều đóng góp trong việc điều trị bệnh uốn ván ở khu vực phía Nam (Ảnh: Hoàng Lê).

Có 6 năm sát cánh cùng bác sĩ Trung, ấn tượng của bác sĩ Nguyễn Trọng Duy về người sếp, người đồng nghiệp của mình tại khoa ICU là sự gương mẫu trong công việc cũng như rất hòa nhã với cấp dưới.

“Bác sĩ Trung không ngại sự khác biệt của mọi người. Nếu đồng nghiệp có ý tưởng khác, anh ấy sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu xem sẽ làm được gì từ ý tưởng đó. Sự cầu thị như vậy khuyến khích mọi người tìm tòi, học hỏi lẫn nhau.

Đặc biệt, khi có nhiều ca nặng, áp lực công việc cao, anh Trung động viên mọi người bằng cách trực tiếp lao đến cứu chữa. Có những ca khi đẩy vào đã tím tái, lơ mơ tưởng không qua khỏi, nhưng nhờ tinh thần lăn xả của anh, bệnh nhân đã sống sót”, bác sĩ Duy nói.

Dành cả thanh xuân hồi sức bệnh nhân truyền nhiễm, bác sĩ Trương Ngọc Trung vẫn còn những trăn trở, khi một bộ phận người dân, cộng đồng chưa thoát khỏi sự kỳ thị các nhân viên y tế phụ trách điều trị, chăm sóc những ca bệnh nhạy cảm, như HIV, bệnh lậu, bệnh dễ lây nhiễm… Ngoài ra, anh cũng nhận định, vai trò của ngành trong hệ thống y tế còn hạn chế.

“Cuộc chiến sinh tồn của con người với vi sinh vật diễn ra hàng ngày, hàng giờ, không biết khi nào lại xảy ra đại dịch mới.Từ cậu bé suýt chết vì lang vườn thành cứu tinh của bệnh nhân nguy kịch - 15

Bác sĩ Trung nhắn nhủ các bác sĩ trẻ lấy việc cứu người làm niềm vui gắn bó với nghề y (Ảnh: Hoàng Lê).

Hiện nay, các bệnh về viêm phổi có xu hướng nặng hơn, chồng chéo lẫn nhau. Cúm gia cầm cũng có nguy cơ bùng phát, nỗi lo xuất hiện việc lây từ người sang người, trở thành một “đại dịch X” như WHO lo lắng hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, bác sĩ truyền nhiễm luôn có vai trò quan trọng, là đầu tàu bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp tương lai, đừng mong sẽ giàu có về tiền bạc, vì đây là nghề cực, phải học tập liên tục và luôn đối đầu trong từng tình huống điều trị nguy hiểm.

Hãy tự tìm niềm vui trong chính công việc của mình, khi mang lại sức khỏe cho người bệnh và chăm sóc được cho bản thân, gia đình”, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM nhắn nhủ.

Theo Dân Trí

Từ khóa : bệnh truyền nhiễmBệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCMlang vườnuốn ván

Các tin liên quan đến bài viết