Bức xúc vì cha mình đã nằm xuống mà vẫn phải mang buộc tội đánh chết người, ông Tạ Quang Năm đã gõ cửa nhiều cơ quan để kêu oan cho cha.
Từ bí mật hồ sơ 305 đến 10 năm minh oan cho cha
Ông Năm ngồi trước trụ sở HĐND tỉnh Quảng Trị chờ gửi đơn xin minh oan cho cha 

Cầm chồng đơn dày cộp ngồi đợi trong quán nước trước cổng trụ sở HĐND tỉnh Quảng Trị, ông Tạ Quang Năm (ngụ KP 4, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) cứ thấp thỏm nhìn đồng hồ. Cửa phòng làm việc vừa hé mở, ông cuống cuồng ôm tập đơn vào nộp. Đã gần mười năm trôi qua ông Năm “ôm” tập đơn này đi gõ cửa khắp các cơ quan từ huyện đến tỉnh, ra tận trung ương. “Tui cũng chẳng ưng (muốn) ôm đơn đi kiện mãi miết ri mô. Nhưng cha tui nằm xuống mà mang theo những lời buộc tội không rõ ràng thì tui không cam lòng được…” – ông nấc nghẹn.

Bí mật trong hồ sơ 305

 Ông Năm sống cùng cha là ông Tạ Sự (sinh 1914) ở thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1983 ông nhận công tác tại văn phòng Huyện ủy Hướng Hóa cho đến khi về hưu.

Đầu năm 2008, ông Năm làm hồ sơ xét tuyển nghĩa vụ công an cho con trai. Khi nộp hồ sơ lên Công an huyện Hướng Hóa, đơn vị này sau khi xác minh hồ sơ đã thông báo cho ông là con ông không đủ điều kiện xét tuyển vào nghĩa vụ công an vì lý lịch chính trị không đảm bảo. Ông thắc mắc thì được công an huyện cho xem một hồ sơ mang số 305 được lưu trữ tại Công an tỉnh Quảng Trị. Đọc qua hồ sơ, ông thấy có nội dung: Năm 1948, ông Tạ Sự bắt chị Nguyễn Thị Hoa em ông Trong và đánh đập mẹ ông Trong cho đến chết (ông Trong là cán bộ lão thành cách mạng tại Vĩnh Linh thời chống Pháp – PV). Không tin về những điều vừa đọc được trong hồ sơ số 305, ông Năm cất công về lại quê cũ tìm những người sống cùng thời với cha ông để xác minh sự thật. Ông tìm gặp ông Nguyễn Hòa Nam, nguyên ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị giai đoạn 1991-1996. Ông Nam là con của ông Nguyễn Minh Trong, người được hồ sơ số 305 ghi là bị ông Tạ Sự bắt em gái và đánh mẹ đến chết. Trong văn bản viết tay của ông Nguyễn Hòa Nam vào thời điểm ngày 19-1-2009 có xác nhận của UBND thị trấn Hồ Xá (nơi thường trú) có ghi rõ: “Bố tôi chỉ có một em trai duy nhất là Nguyễn Xà, mất lúc 1 tuổi. Bà tôi (mẹ ông Trong) là Đoàn Thị Theo đã mất do già cả năm 1953”. Ông Năm tiếp tục tìm đến thêm gần chục người cao tuổi khác đang sống tại thôn Nam Cường thời điểm đó để hỏi về việc cha ông có giết người hay không. Những bản viết tay của những người này có xác nhận của chính quyền địa phương đều khẳng định vào năm 1952, ông Tạ Sự lên sống ở Hồ Xá và bị Pháp bắt đi lính hương vệ (đi tuần) khoảng hai năm. Đến năm 1954 thì về quê sống với gia đình và vào hợp tác xã nông nghiệp, tổ thợ mộc. Ông Sự hoàn toàn không có việc giết người hay nợ máu với dân. Chỉ có một lần gây gổ đánh nhau với một người cùng tổ thợ mộc trong hợp tác xã, một số lần khác gây rối trật tự thôn xóm và sau đó bị bắt đi cải tạo tập trung 3 năm. Sau đó, đến năm 1965 ông Sự trở về lại địa phương và sống ở đó đến năm 1985 thì mất.

Không giết người
Sau khi tìm gặp những người sống cùng thời với cha mình và phát hiện những chi tiết không giống nhau giữa thực tế và những nội dung trong hồ sơ số 305, ông Năm bắt đầu ôm đơn đi gõ cửa các cơ quan chính quyền để yêu cầu minh oan cho cha mình. Nơi ông đến đầu tiên là cơ quan công an nơi lưu trữ hồ sơ về ông Sự. Nhận đơn của ông Năm, ngày 5-3-2009, Công an tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với ông Năm về nội dung trong hồ sơ số 305 liên quan đến gia đình ông. Tại biên bản của buổi làm việc này, ông Lê Hoàng Việt, thời điểm đó là phó chánh thanh tra Công an tỉnh Quảng Trị, đã trả lời cụ thể ba nội dung này. Về việc năm 1948, cha ông là ông Tạ Sự bắt chị Nguyễn Thị Hoa em ông Trong và đánh đập mẹ ông Trong cho đến chết.Biên bản ghi rõ: “Sau khi xác minh, chúng tôi có tài liệu xác định nội dung này là chưa đủ cơ sở kết luận”. Ông Năm tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Tỉnh ủy Quảng Trị. Tại văn bản số 507-CV/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị ngày 31-10-2014 ghi rõ: Sau khi nghiên cứu hồ sơ và gặp một số nhân chứng liên quan, đồng chí phó bí thư thường trực Tỉnh ủy kết luận không có hồ sơ, tài liệu nào thể hiện cha của ông Năm là ông Tạ Sự phạm tội giết người. Từ đó khẳng định ông Tạ Sự không có tội giết người. Từ những kết luận trên, ông Năm gửi đơn yêu cầu cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị hủy hồ sơ số 305 và có văn bản chính thức minh oan cho cha ông. Tuy nhiên, Công an huyện Hướng Hóa và Công an tỉnh Quảng Trị sau đó đều nhiều lần trả lời không thể thực hiện được việc đó vì hồ sơ này do Ty công an Vĩnh Linh lập lưu giữ từ năm 1962. Sau đó, khi tái lập tỉnh Quảng Trị, hồ sơ này được chuyển giao lại cho Công an Quảng Trị lưu trữ chứ không phải do Công an tỉnh Quảng Trị lập ra. Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã có thêm ít nhất ba văn bản trả lời chính thức cho ông Năm về kiến nghị hủy hồ sơ số 305 để minh oan cho cha ông từ năm 2011 đến năm 2016. Cả ba văn bản đều khẳng định chưa đủ căn cứ kết luận cha ông Năm giết người. Nhưng không có văn bản nào thể hiện việc đồng ý hủy hồ sơ số 305.

Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, nghị định 33/2002/NĐ-CP và thông tư 33/2015/TT của Bộ Công an không có quy định hồ sơ cá nhân như của cha ông Năm là một dạng hồ sơ, tài liệu mật. Về hướng xử lý, với các tài liệu, hồ sơ không thuộc danh mục mật thì các cơ quan lưu trữ đưa ra ngoài, không cần lưu trữ và nếu có yêu cầu phù hợp với quyền lợi người dân thì với các thông tin, tài liệu đó có thể tiêu hủy để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cũng như ảnh hưởng tới quyền lợi của những người thân của họ. Nếu không có cách xử lý thỏa đáng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người thân của người đã mất.

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)

Không thể 
đính chính vì thuộc về… lịch sử

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Kỷ – phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị – cho biết phía cơ quan công an tỉnh đã làm hết sức với trường hợp của ông Năm. Cơ quan Công an đã cho cán bộ đi tìm lại những nhân chứng trực tiếp tại Vĩnh Linh có thể xác nhận sự việc của ông Sự nhưng không có ai biết. Đại tá Kỷ nói hiện tại không khẳng định cha ông Năm giết người, nhưng có một số vấn đề thuộc về lịch sử thì mình không thể thay đổi được. Trả lời câu hỏi vì sao không đủ căn cứ kết luận cha ông Năm giết người nhưng hồ sơ số 305 vẫn tồn tại, ông Kỷ nói: “Đây là hồ sơ thực tiễn của quá trình người ta làm ngày xưa, là hồ sơ của quá khứ nên mình không thể đính chính được”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công anđánh mẹgiết ngườiHDDND tỉnh Quảng Trịhồ sơhuyện Hướng Hóaminh oansố 305xử lý

Các tin liên quan đến bài viết