Vụ vải tháng 5, giữa tâm dịch Bắc Giang, Vietnam Post đã kết nối, xuất khẩu hàng trăm tấn vải thiều sang thị trường “khó tính” như Nhật, Úc, Pháp… Bước đi này cũng ghi dấu khởi đầu hành trình phát triển mô hình logistics chuyên biệt cho nông sản.

Gỡ khó tiêu thụ nông sản khó khăn do dịch Covid-19

Ngay từ trung tuần tháng 7, trong cuộc họp đầu tiên về triển khai các kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” (kế hoạch 1034) và “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội” (Kế hoạch 1035), Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đã lưu ý, trong việc đưa hộ nông dân lên sàn, trọng tâm trước mắt là tiêu thụ nông sản theo mùa vụ của nông dân địa phương.

Từ bài toán tiêu thụ vải thiều đến mô hình logistics chuyên biệt cho nông sản Việt

Nhiều loại nông sản, đặc sản vùng miền đã được tiêu thụ qua các sàn TMĐT của doanh nghiệp bưu chính.

Trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19, liên tiếp trong nhiều tháng gần đây, dưới sự điều phối của Tổ công tác do Bộ TT&TT thành lập, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ nông dân trên cả nước.

Theo thống kê, tính đến ngày 8/10, các doanh nghiệp bưu chính đã hỗ trợ 19 tỉnh phía Nam tiêu thụ được 1.763 tấn nông sản và 40.750 quả dừa. Song song đó, hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân các địa phương giãn cách xã hội cũng thu được kết quả ấn tượng, với tổng khối lượng hàng hóa đã cung cấp lên tới gần 103.000 tấn tính đến ngày 16/10.

Doanh nghiệp bưu chính xuống vườn để “hiểu” nông sản 

Không chỉ tổ chức thu gom, tiêu thụ trong địa bàn nội tỉnh và trong nước, các doanh nghiệp bưu chính cũng đã tìm hướng kết nối xuất khẩu nông sản Việt ra nước ngoài, kể cả các thị trường khó tính như Đức, Nhật, Úc, Cộng hòa Séc, Pháp…

Từ góc độ của doanh nghiệp đã triển khai phát triển mô hình logistics chuyên biệt cho nông sản Việt, khởi đầu từ việc tìm hướng tiêu thụ vải thiều của các hộ dân vùng dịch Bắc Giang, đại diện Vietnam Post nhận định: Kế hoạch 1034 đã tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào việc hỗ trợ tiêu thụ và kết nối xuất khẩu nông sản, đặc sản Việt Nam đến thị trường quốc tế.

Thực tế, không chỉ giúp người nông dân thay đổi nếp nghĩ để vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu trong việc làm quen với phương thức bán hàng mới – qua sàn TMĐT Postmart, mà Vietnam Post còn đồng hành cùng người dân từ khâu thu hoạch, đóng gói đến vận chuyển tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Kiên, nhân viên Bưu điện huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, trước khi bước vào vụ thu hoạch nhãn xuồng, khoai lang hay xoài, mít.. nhân viên Bưu điện đều xuống tận vườn của các hộ sản xuất nông nghiệp. Một mặt để hướng dẫn bà con đưa sản phẩm lên sàn, mặt khác để tìm hiểu về đặc tính của nông sản. Từ đó, xây dựng phương án đóng gói, bảo quản chuẩn để phù hợp với từng khu vực địa lý giao hàng, đảm bảo sản phẩm từ vườn đến tay người tiêu dùng nguyên vẹn chất lượng.

Từ bài toán tiêu thụ vải thiều đến mô hình logistics chuyên biệt cho nông sản Việt
Nhân viên Bưu điện xuống tận vườn tìm hiểu về đặc tính của nông sản để xây dựng phương án đóng gói, bảo quản phù hợp.

Với những loại nông sản không quá “khắt khe” về các yếu tố bảo quản, vận chuyển, thời hạn sử dụng như nhãn, bưởi, sầu riêng, mít.. đơn vị sẽ đóng gói trong thùng carton, thùng xốp chuyên dụng, gom các đơn hàng trên cùng tuyến để phân phối và giao hàng trong vòng từ 6 đến 48 giờ. Các loại quả khó bảo quản, sử dụng ngắn ngày như vải, dâu… sẽ được ưu tiên vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dụng, kết nối vận chuyển liên vùng qua đường bay để đảm bảo chất lượng quả tươi ngon đến tay người tiêu dùng. 

Đến nay, với quy trình chặt chẽ, chuyên nghiệp, Vietnam Post đã hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản gồm nhiều loại trái cây như vải Lục Ngạn, Bắc Giang; bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh; na Chi Lăng, Lạng Sơn; nhãn lồng Hưng Yên, nhãn xuồng Đồng Tháp; bơ, sầu riêng Đắk Lắk; cam Cao Phong, Hòa Bình…cùng nhiều loại rau củ khác.

Dần hình thành hệ sinh thái số trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Từ kinh nghiệm vận chuyển thành công nhiều loại nông sản, Vietnam Post đã và đang xây dựng mô hình kinh doanh Logistics chuyên biệt dành cho nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về lưu trữ, bảo quản, vận chuyển phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu quốc tế. 

Từ bài toán tiêu thụ vải thiều đến mô hình logistics chuyên biệt cho nông sản Việt
Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh, doanh nghiệp bưu chính đã kết nối, xuất khẩu giúp các hộ nông dân tiêu thụ đặc sản địa phương.

Bên cạnh thế mạnh về cơ sở hạ tầng gồm mạng lưới hơn 13.000 điểm giao dịch, phương tiện vận chuyển đa dạng kết nối hàng chục nghìn tuyến vận chuyển, nguồn nhân lực đông đảo hơn 5 vạn người của Vietnam Post cũng giúp đơn vị thuận tiện trong tiếp cận các hộ nông dân.

Cụ thể, nhân viên Bưu điện có thể trực tiếp đến các nhà vườn, nông trại, hộ sản xuất nông nghiệp để chọn được nguồn hàng chất lượng cao với mức giá gốc tại vườn, không thông qua các khâu trung gian, đảm bảo giá bình ổn cho cả người nông dân lẫn người tiêu dùng. 

Đặc thù của nông sản là tính thời vụ, thời gian sử dụng ngắn. Vì thế, đơn vị đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống kho lạnh đặt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vựa nông sản lớn nhất cả nước, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng nông sản nội địa và xúc tiến xuất khẩu. 

Song song đó, các luồng ưu tiên dành cho việc vận chuyển nông sản cũng đã được xây dựng linh hoạt theo từng loại sản phẩm và hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đơn vị còn tính toán các phương án vận chuyển bằng xe tải, container lạnh cũng như các thiết bị chuyên dụng nhằm đảm bảo chất lượng nông sản tươi ngon đến người tiêu dùng và thông suốt luồng cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh. 

Từ nhà vườn, trái nhãn, quả cam, trái bưởi, củ khoai… được kết nối và chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước, không chỉ đến với người tiêu dùng thành thị, nông thôn, vùng cao miền núi, hải đảo mà còn vươn ra thị trường quốc tế bằng một phương thức bán hàng mới – qua sàn TMĐT cùng giải pháp logistics nông sản chuyên biệt. 

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện sàn Postmart, tối ưu chu trình chuỗi cung ứng lạnh dành riêng cho logistics nông sản cũng như xây dựng website bán hàng, ứng dụng bán hàng trên smartphone, cổng truy xuất nguồn gốc bảo hộ thương hiệu, cung cấp thông tin đầy đủ về nhà cung cấp, giấy chứng nhận kinh doanh, chất lượng sản phẩm, minh bạch. Từ đó, hình thành hệ sinh thái số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, đại diện Vietnam Post cho biết thêm.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : logisticsnông sảnthương mại điện tử

Các tin liên quan đến bài viết